Khởi nghiệp từ cái nôi của làng vườn truyền thống

Năm 1992, sau khi lập gia đình, được cha mẹ chia vườn đất riêng, chàng thanh niên 25 tuổi Hoàng Văn Thiều, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, bắt đầu gắn bó với nghề trồng cây cảnh. Với ông Thiều lúc đó, sinh ra và lớn lên ở gia đình có truyền thống làm nghề vườn, trồng cây cảnh, nên ông luôn có trong mình niềm đam mê riêng đối với những cây cảnh. Những cây cảnh được coi như những đứa con tinh thần, bởi mỗi cây cảnh cần được thuần dưỡng và chăm bẵm tỉ mỉ mỗi ngày.

Ông Hoàng Văn Thiều say sưa bên công việc của một nhà vườn sinh vật cảnh
Ông Hoàng Văn Thiều say sưa bên công việc của một nhà vườn sinh vật cảnh

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, với 2.000m2 diện tích đất vườn, vợ chồng ông Hoàng Văn Thiều, chủ yếu trồng các loại hoa, cây hàng lá theo mùa vụ như: hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa cúc, cây cau cảnh… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa được như mong muốn, ông Thiều quyết định chuyển dần sang nghiên cứu, tìm tòi và sưu tầm cây cảnh.

Trên chiếc xe máy cũ, Ông Thiều đi khắp các nhà vườn, làng vườn ở các tỉnh lân cận như Nam Điền (Nam Định), Hưng Yên, Hà Nội… để học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2000, ông chuyển sang trồng, thuần dưỡng cây cảnh, cây thế, cây công trình và vẫn dành một nửa đất vườn để trồng cây hàng lá, cây hoa như cây cau cảnh, cây mộc hương,..,.Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nguồn kinh tế từ trồng cây hoa, cây hàng lá sẽ giúp ông trang trải sinh hoạt gia đình, tạo điều kiện để ông có thời gian thuần dưỡng các cây cảnh cây thế dài hơn.

Những dòng cây cảnh như cây sanh, cây tùng la hán, cây si được ông Thiều thuần dưỡng và sưu tầm về nhà vườn của gia đình. Trải qua, 5 năm ròng rã miệt mài bên những cây cảnh, kết hợp cùng với cuốn sách bí truyền về kỹ thuật thuần dưỡng, tạo dáng, thế cho cây cảnh mà cha ông để lại, ông Thiều đã có trong tay những chậu cây cảnh cây thế có giá trị đầu tiên.

Chậu cây sanh dáng làng được ông Hoàng Văn Thiều sưu tầm và thuần dưỡng có tuổi đời trên 50 năm
Chậu cây sanh dáng làng được ông Hoàng Văn Thiều sưu tầm và thuần dưỡng có tuổi đời trên 50 năm

Theo ông Hoàng Văn Thiều, nghệ nhân nhà vườn tiêu tiểu xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, cho biết: “Thời gian để tạo ra một cây cảnh nghệ thuật hoàn chỉnh ít nhất phải mất 10 năm. 1 năm 3 lần tỉa tay, tán. 2 năm 1 lần đảo đất. Có như thế thì cây cảnh nghệ thuật mới đảm bảo dinh dưỡng và dáng thế trên chậu. Cây cảnh nghệ thuật chuẩn phải có dáng thế riêng, độc đáo, có tay có tán và cần có cả bệ, chậu hợp với nó.

Chỉ có người biết chơi cây, đam mê sinh vật cảnh, mới cảm nhận được vẻ đẹp riêng của cây cảnh nghệ thuật và cũng từ đó giá trị của cây cảnh được nâng lên ở tầm cao mới. Cây cảnh cây thế xưa, theo kiểu Cây bám đá, có tả có hữu đối nhau. Có Thân, cành, rễ, lá, bể thả…nhưng cây cảnh những năm gần đây không chỉ là cây cảnh nữa mà là một tác phẩm nghệ thuật, nếu không sẽ rất khó để đưa ra thị trường. Để tạo thế, dáng cho cây cảnh đòi hỏi nhà vườn, người chơi cây phải có sự sáng tạo, tinh tế và kỹ thuật tạo hình điêu luyện.” 

Con đường đi giữa khu vườn sinh vật cảnh ngập tràn các loài cây cảnh, cây hoa...
Con đường đi giữa khu vườn sinh vật cảnh ngập tràn các loài cây cảnh, cây hoa...

30 năm xây dựng thương hiệu Nhà vườn tiêu biểu

Thăng trầm 30 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, những năm gần đây, ông Hoàng Văn Thiều nhận thấy xu hướng dòng cây hàng lá, cây cảnh cây thế có nhiều thay đổi. Cây hàng lá, cây truyền thống cũng yêu cầu kỹ mỹ thuật cao hơn, trồng trong bịch để thuận tiện vận chuyển và trồng cây. Cây hoa thì thay đổi liên tục, người chơi hoa theo mùa hoa như hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa lay ơn… Đặc biệt, cây hàng thế, giờ phải là tác phẩm nghệ thuật.

Là người tâm huyết, nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu, xu hướng của thị trường, nhà vườn của gia đình ông Thiều đã nhanh chóng chuyển đổi mở rộng diện tích trồng cây. Đến nay, gia đình ông sở hữu hơn 1ha đất vườn trồng cây cảnh cây thế, cây hàng lá và các loài hoa. Chủ yếu là cây sanh, cây tùng la hán, cây phong lan, ngoài ra là một số cây công trình như cây cau cảnh, cây vạn tuế, cây hoa tường vy, cây hoa mẫu hơn…Với nhiều dáng thế khác nhau được thuần dưỡng như dáng huyền, dáng làng, dáng trực, dáng long…

Những chậu cây cảnh nghệ thuật được ông Hoàng Văn Thiều chăm chút từng ngày
Những chậu cây cảnh nghệ thuật được ông Hoàng Văn Thiều chăm chút từng ngày

3 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng về dòng cây hàng lá, cây cảnh nghệ thuật. Gia đình ông Thiều đã đứng lên thành lập Tổ dịch vụ cây cảnh, chuyên nhận các đơn hàng từ các khách hàng khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.

 Suốt quãng thời gian 30 năm làm nghề, ông Thiều đã tạo ra hàng trăm cây cảnh cũng là hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm nghệ thuật đó đã theo người đam mê cây cảnh đi khắp mọi miền đất nước. Hiện trong vườn nhà ông Thiều còn trên dưới 100 cây sanh nghệ thuật, nhiều khách đã trả giá hàng trăm triệu đồng/cây hoặc nửa tỷ đồng/cặp cây sanh nhưng ông Thiều vẫn nặng lòng với cây, muốn giữ lại bên mình thêm nữa. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của ông Thiều có mặt tại nhiều hội thi, triển lãm nghệ thuật cây cảnh trong tỉnh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Cây không phụ công người, từ nghề làm vườn trồng cây cảnh, gia đình ông Thiều đã mang về thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm.

Cây sanh lọng được tạo dáng rất tỉ mỉ và công phu
Cây sanh lọng được tạo dáng rất tỉ mỉ và công phu

Năm 2015, ông Hoàng Văn Thiều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Năm 2016, ông được Hội Sinh vật cảnh tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân sinh vật cảnh” và được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vinh danh nghệ nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc. Đó là những vinh dự, tự hào riêng của người con làng nghề truyền thống xã Bách Thuận.

Để rồi, ông đang từng ngày truyền lại sự tâm huyết cho người con trai của mình, kế nghiệp và phát triển nghề làm vườn, trồng cây cảnh cây thế. Với mong muốn thế hệ trẻ sẽ phát triển nghề làm vườn của cha ông, của quê hương một cách bền vững và lan toả nhiều hơn nữa giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần mà mỗi nhà vườn đã gửi gắm tâm huyết vào trong từng tác phẩm nghệ thuật đó. Cũng là góp phần xây dựng quê hương, làng vườn Bách Thuận ngày càng giàu đẹp./

Phương Thuý