Khám phá Làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng xã Bách Thuận
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng chừng 90km, cách trung tâm thành phố Thái Bình 13 km, xã Bách Thuận huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nằm ngay cạnh quốc lộ 10. Nơi đây có nghề truyền thống trồng các loại cây cảnh, cây hoa và cây ăn quả. Nơi đây có cảnh quan hấp dẫn với hệ thống thực vật phong phú, tươi tốt quanh năm. Nơi đây là làng vườn sinh thái mang nét đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Làng vườn Bách Thuận thơ mộng ven sông Hồng
Làng vườn Bách Thuận có một vị trí đặc biệt, được hình thành từ một bãi bồi ven sông Hồng từ cuối thế kỷ thứ XVII bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi bởi dòng nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên – địa phận Phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định.
Chảy đến đây sông Hồng đổi hướng và lăn dòng tạo ra “Bên lở - Bên bồi” và đã hình thành một vùng đất màu mỡ phì nhiêu. Đây chính là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến nơi này quần cư - lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và cái tên Làng Thận Vi - Nam Định xưa, Nay đã trở thành: Làng Thuận Vy - xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Nơi đây không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi mà còn có nghề làm vườn truyền thống: Trồng cây lưu niên, cây hoa màu, trồng cây hoa quả, cảnh, cây hương dược liệu. Với đặc trưng là vùng đất thổ mô (tách biệt từng thổ cư, đất canh tác ao vườn theo từng hộ gia đình) đã tạo dựng và hình thành nên một mô hình mang những nét riêng biệt hiếm có đó là: Nhà vườn, nhà cổ, cây cảnh, ao hồ cùng với chợ quê, mái đình, cây đa.
Tạo nên một nét đẹp bình dị tiêu biểu cho những làng quê đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây còn mang nét đẹp độc nhất của một làng ven sông với các ngôi nhà cổ xen giữa những vườn cây – ao cá, tạo thành những điểm nhấn thú vị cho bức tranh không gian của làng vườn, được kết hợp hài hòa xen lẫn với cỏ cây, hoa lá, những hồ ao, các vườn cây cảnh, vườn cây ăn quả đậm chất hồn quê với không gian nghệ thuật kiến trúc sắp đặt, thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống gia đình người Việt.
Với vị trí địa lý nằm ngay bên quốc lộ 10, làng vườn rất thuận lợi cho giao thoa phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch. Bách Thuận có rất nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ngay từ thập niên 80 Bách Thuận - Thuận Vi đã nổi tiếng bởi một miền đất có cây cối xanh tươi bát ngát, bốn mùa hoa thơm và trái ngọt.
Các đoàn khách từ khắp các tỉnh khi về đây được tận hưởng một cảnh sắc tuyệt vời như một miệt vườn với đủ gam màu, cảnh sinh hoạt mua bán tấp nập với hoa quả và các sản vật địa phương tại mỗi buổi chợ Thuận Vi của người dân Bách Thuận và nhân dân các vùng phụ cận đã phần nào tô điểm thêm nét độc đáo và trù phú của vùng quê này…
Bách Thuận có rất nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Xã Bách Thuận được bao quanh bởi hai triền đê: Đê Trung ương và đê bao tạo nên vành đai bao bọc lấy Bách Thuận như một dải lụa mềm bao quanh vùng đất bên bờ tả ngạn sông Hồng. Trải qua, quá trình hình thành cư dân làng xã cho đến nay, Bách Thuận có tổng diện tích đất tự nhiên của xã khoảng 927,3 ha.
Là một trong các xã có dân số đông của huyện Vũ Thư với 11.214 nhân khẩu trên tổng số 2.760 hộ gia đình phân bố thành 9 thôn, gồm thôn Thượng Xuân, Liên Hồng, Trung Hòa, Chiến Thắng, Bình Minh, Bách Tính, Tiền Phong,Thuận Nghiệp,Toàn Thắng. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống. Và mỗi thôn lại có 1 đặc trưng riêng với ngành nghề làm vườn riêng.
Do đặc trưng nghề truyền thống trồng cây cảnh, mỗi nhà dân đều sở hữu các vườn cây từ 700 – 2000m2, có nhiều tiềm năng xây dựng mô hình sinh thái nhà vườn chuyên nghiệp khai thác phục vụ du lịch. Dọc hai bên đường làng là rất nhiều cây với màu sắc khác nhau, màu xanh thẫm của ngâu, màu đỏ của hoa mẫu đơn, cây ngũ sắc...
Cách đây ít năm, Bách Thuận đã tiến hành xây dựng các tuyến đường hoa kiểu mẫu: tuyến đường hoa phượng vỹ, tuyến đường hoa tường vy, hoa hoàng yến … Bất cứ thời điểm nào mùa nào, Bách Thuận cũng ngập tràn sắc hoa, để du khách lưu lại những bức hình kỷ niệm khó quên.
Bách Thuận là làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ truyền thống mang đậm nét văn hóa cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Bách Thuận khiến mọi du khách phải ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện của những nếp nhà cổ.
Hiện toàn xã còn có 13 nhà cổ có lối kiến trúc đặc sắc còn lưu giữ được rất nhiều vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân tiêu biểu cho thời kỳ phong kiến như thau đồng, mâm đồng, lư,.… trong đó có 8 nhà niên đại trên 100 năm, 5 nhà niên đại từ 86 năm đến trên 90 năm, hiện đang được các gia đình sử dụng, giữ gìn và bảo tồn giá trị.
Điển hình như nhà cổ tại thôn Bách Tính, ngôi nhà có tuổi đời 100 năm với 4 thế hệ cùng sinh sống, còn lưu giữ nhiều hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối, cột kèo, và các lớp ngói mũi hài... Ngôi nhà mang nhiều nét đặc trưng về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc nhà cổ Việt, phản ánh những nét văn hóa truyền thống của người dân quê lúa Thái Bình.
Nét đặc trưng riêng có của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Bách Thuận còn lưu giữ được, Bách Thuận còn có chợ Thuận Vy là một ngôi chợ quê nhưng không kém phần đông đúc, tấp nập.
Đây cũng là nơi thương lái thu mua nông sản của làng vườn rồi đem bán lại ở các chợ trong thành phố Thái Bình hay Nam Định. Đặc biệt vào buổi sáng, chợ bày bán rất nhiều loại bánh hấp dẫn như bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh giò, bánh nếp, bánh tẻ, bánh mật, bánh chưng, bánh giày đỗ, bánh rán... trong đó có nhiều loại bánh ngon có tiếng trong vùng, dễ khiến thực khách mê mẩn.
Bên cạnh những tiềm năng tự nhiên, nghề truyền thống trồng cây cảnh, cây hoa… mà thiên nhiên đã ưu đãi, Bách Thuận, còn có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các cơ sở thờ tự của các dòng họ: 2 khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (Chùa Từ Vân và Đình - chùa Bách Tính), 2 di tích LSVH cấp tỉnh; có 1 nhà thờ giáo xứ, 1 nhà thờ giáo họ, 2 chùa, 46 từ đường dòng họ, 3 đình, 1 đền và 15 miếu - bệ thờ thần linh; toàn xã có 6 cây cổ thụ niên đại trên 100 năm tuổi và có dấu ấn lịch sử được được bảo tồn theo quy định.
Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa nằm rải rác trên địa bàn xã, được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn kiến trúc cổ, cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh, phù hợp cho du khách có nhu cầu tâm linh và mong muốn trải nghiệm không khí miền quê đồng bằng Bắc Bộ.
Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Bách Thuận
Từ những tiềm năng lợi thế đó, “Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND xã Bách Thuận khẳng định là nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp chủ trương của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghị quyết, Quyết định của tỉnh Thái Bình, Nghị quyết số 03/NQ-HU ngày 20/11/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vũ Thư về phát triển du lịch gắn với thương mai dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhằm đề ra các định hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Bách Thuận, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác.
Thời gian qua, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, đã thực hiện chủ trương phát triển du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Địa phương đã khai thác mọi nguồn lực để xây dựng mới trụ sở làm việc, hội trường, nhà văn hóa xã, thôn, nhất là đường giao thông nông thôn, nhằm tạo ra cảnh quan, diện mạo mới hiện đại, tiện dụng phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch.
Với định hướng phát triển làng vườn theo hướng bền vững, phù hợp với các yêu cầu của kinh tế thị trường. Bách Thuận đã tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng tham gia tích cực; bảo vệ, giữ gìn các nhà cổ, đồng thời chỉnh trang đường làng ngõ xóm theo hướng đồng nhất; nâng cấp và tạo ra nhiều hoạt động trong các lễ hội để kéo dài thời gian tổ chức lễ hội và hấp dẫn du khách đến thăm; quảng bá, giới thiệu bằng nhiều kênh thông tin về hình ảnh của Bách Thuận...
Theo “Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030” du khách có thể tham gia các tour thăm quan về: Tâm linh – nhà cổ - nhà vườn – lưu trú Homestay – sông nước – hoạt động trải nghiệm – sinh hoạt …
Cụ thể, các điểm du lịch tâm linh tại thôn Bình Minh, Bách Tính; điểm nhà vườn kiểu mẫu tại thôn Toàn Thắng, Trung Hòa; điểm bãi hoa ven sông, vườn hoa tại thôn Liên Hồng; điểm vườn cây cảnh, nghề làm cây cảnh (sản phẩm OCOP của địa phương là cây cảnh) tại Bách Tính, Bình Minh; điểm mô hình lưu trú Homestay, dịch vụ ăn uống tại thôn Trung Hòa, Bách Tính; điểm vùng dược liệu tại thôn Bình Minh…
Về hình thức du lịch sinh thái làng vườn phân thành 3 tour chính: Tour đạp xe quanh làng vườn, tour du lịch sinh thái làng vườn và tuyến du lịch đường sông: Dự kiến Tuyến 1 Xuất phát từ Bến đò Thuận Vy xuôi theo dòng sông Hồng đến chùa keo xã Duy Nhất/ có thể sang chùa Keo Hành Thiện/Chùa Cổ Lễ Nam Định. (Tuyến này áp dụng cho đối tượng khách thích tìm hiểu các di tích lịch sử).
Tuyến 2: Xuất phát từ Bến đò ngang Thuận Vy, xã Bách Thuận, vượt ngang sông tham quan vùng cây cảnh Nam Điền, huyện Nam Trực, Nam Định (Tuyến này áp dụng cho du lịch, giao thương và phát triển nghề cây cảnh truyền thống). Tuyến 3: Xuất phát từ Bến đò Thuận Vy, xã Bách Thuận đi ngược dòng sông lên Vườn hoa cải xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư….
Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh: “Hiện nay, Chúng tôi đã xây dựng đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, và trình UBND huyện Vũ Thư. Sau đó sẽ trình lên UBND tỉnh phê duyệt.
Tôi tin rằng, với đề án này, Bách Thuận sẽ khai thác và phát triển một cách mạnh mẽ từ du lịch sinh thái làng vườn. Là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn của rất nhiều người dân và du khách khắp các tỉnh.
Góp phần hình thành 1 điểm du lịch độc đáo không thể bỏ qua khi bất kỳ du khách đến với Thái Bình. Và cũng là địa danh du lịch trải nghiệm sinh thái cộng đồng đặc biệt của Miền Bắc trong thời gian tới.”
Phương Thuý
Tin mới
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu 'cứu' cây đổ do bão Yagi
Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay nhằm đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng.
30 trường học ở Hà Nội chưa đảm bảo an toàn để dạy học trở lại
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết toàn thành phố có 30 trường học chưa bảo đảm an toàn để tổ chức dạy học vào ngày 9/9 do chưa khắc phục xong sự cố bão số 3 gây ra.
Phó Thủ tướng thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân vụ sạt lở làm 4 người tử vong
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tới chia buồn cùng gia đình nạn nhân bị sạt lở vùi lấp ngôi nhà làm 4 người tử vong; thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Hòa Bình.
Nghệ An cho phép ngư dân tiếp tục ra khơi
Chiều ngày 8/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn hỏa tốc số 7642/UBND-NN về việc cho phép tàu thuyền ra khơi.
Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Chiều 8/9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang, Huyện ủy, UBND huyện Gò Công Đông tổ chức chương trình công tác Dân vận “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”.
Hải Phòng: Học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 để khắc phục hậu quả sau bão
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng (GD&ĐT), học sinh toàn thành phố sẽ tiếp tục nghỉ học ngày 9/9/2024 cho đến khi có thông báo mới để các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường... chưa đảm bảo.
Câu chuyện thương hiệu
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường
Hành trình phát triển thương hiệu của Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế Hoàng Đức
Thế giới số sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu
Vietsovpetro góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam