Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bên cạnh nghiên cứu tổng quan, đề tài gồm các nội dung: Đánh giá thực trạng phát triển thương hiệu cảng biển và các yếu tố tác động đến phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng; Dự báo tiềm năng phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Đề xuât xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề xuất một số giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghiên cứu khảo sát 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cảng biển từ 2PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai) trở lên và 40 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics cảng biển; phỏng vấn 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cảng biển, 18 doanh nghiệp/chủ hàng sử dụng dịch vụ logistics cảng biển và 4 đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội liên quan. Cùng với việc tổng hợp các dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, nghiên cứu cho thấy, tiềm năng phát triển cảng biển Hải Phòng là rất lớn với các dự án đầu tư đang được triển khai; năng lực khai thác cảng biển Hải Phòng hiện nay vẫn có thể duy trì mức độ phục vụ cao nhưng đang chịu áp lực lớn khi phải chia sẻ với các phương thức vận tải đường bộ qua cửa khẩu và phải phụ thuộc vào nguồn hàng từ các địa phương khác. Do đó, nếu không có các giải pháp nâng cao thương hiệu cảng biển thì đến một thời điểm nhất định, cảng biển Hải Phòng sẽ thiếu hụt nguồn hàng và các cảng sau khi được mở rộng sẽ hoạt động dưới công suất thiết kế rất nhiều. 

Để dự báo tiềm năng phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn 2045, nghiên cứu tiến hành các dự báo: kịch bản tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến quy mô hàng hóa qua cảng; nhu cầu thị trường, năng suất khai thác cảng biển; luồng hàng hóa xuất nhập khẩu của thành phố Hải Phòng; nhu cầu luồng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển qua cảng biển Hải Phòng; nguồn cung dịch vụ cảng biển Hải Phòng và các nhân tố mới ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng. Từ đó đề xuất xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung gồm: phát triển hệ thống dịch vụ gắn liền với cảng biển; phát triển hạ tầng cảng biển theo hướng bền vững; phát triển cảng biển Hải Phòng theo hướng ứng dụng công nghệ tích hợp, hiện đại, thông minh và thực hiện chuyển đổi số; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ được cung cấp từ cảng biển Hải Phòng; thu hút khách hàng đến với cảng biển Hải Phòng; thiết lập cơ chế quản lý và đánh giá thương hiệu cảng biển Hải Phòng; phát triển cảng biển theo mô hình cảng xanh; tiếp thị hỗn hợp để xây dựng thương hiệu cảng biển Hải Phòng; xây dựng thương hiệu nội bộ đối với cảng biển Hải Phòng và chiến lược chung phát triển thương hiệu cảng biển. Đặc biệt, nghiên cứu đã đề xuất được bộ 12 tiêu chí đánh giá thương hiệu cảng biển Hải Phòng. 

7 giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng được nhóm nghiên cứu đưa ra: Nhóm giải pháp phục vụ xây dựng hiện Chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Giải pháp phát triển các dịch vụ cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng; Giải pháp phát triển và kết nối các nhà cung cấp dịch vụ logistics tham gia vào cung cấp tích hợp dịch vụ cảng biển Hải Phòng theo định hướng bền vững; Giải pháp phát triển và kết nối các doanh nghiệp chủ hàng sử dụng dịch vụ cảng biển Hải Phòng; Đề xuất mô hình quản lý thương hiệu cảng biển Hải Phòng định hướng bền vững và liên kết vùng và Đề xuất các cơ chế chính sách quản lý nhà nước về phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng định hướng bền vững và liên kết vùng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo, nhóm nghiên cứu cần bổ sung một số nội dung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài như: Bổ sung  chủ trương, định hướng, mục tiêu của đất nước và thành phố trong việc phát triển cảng biển Hải Phòng; bổ sung mô tả mức độ ưu tiên chiến lược phát triển thương hiệu cảng biển Hải Phòng theo từng giai đoạn; bổ sung phạm vi phục vụ của các cảng biển Hải Phòng; rà soát lại bộ tiêu chí đánh giá thương hiệu cảng biển cho phù hợp với Hải Phòng… 

Quỳnh Nga(t/h)