Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Ngoại giao Việt Nam cần chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tự tin, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ lớn hơn; cần chủ động tham gia và phát huy vài trò tại các cơ chế đa phương như ASEAN, Liên Hợp quốc...

Sáng 22/01, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức, nhìn lại những thành tích đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát huy thành quả đã đạt được, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển", giữ vững bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng để làm những việc lớn hơn, tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở
Thủ tướng nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển". Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại năm 1953, trong bài "Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế", Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa thế giới, đã nhấn mạnh: "Giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta". Tư tưởng về hòa bình,  hợp tác quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng các mối quan hệ của Bác Hồ cũng đã thể hiện rất rõ trước đó vào năm 1946 trong Lời kêu gọi Liên Hợp quốc mà Người gửi đến các nước trong Hội đồng Bảo an và các nước thành viên khác của Liên Hợp quốc.

Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Việt Nam là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 08/08/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: "Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp quốc", phấn đấu đóng vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể".

Theo Thủ tướng, tham gia Hội đồng Bảo an là mục tiêu phấn đấu của nhiều nước bởi đây là cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, thể hiện uy tín của một đất nước trên trường quốc tế.

Đây cũng là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của nước ta tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc Đổi mới; cơ hội để nắm bắt thông tin, xu thế, qua đó ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ an ninh đối với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, khai thác nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững đất nước; cơ hội để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, thể hiện hình ảnh một Việt Nam mới, chuyển mình mạnh mẽ từ một nước nhiều năm phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trở thành đối tác sẵn sàng tham gia tích cực, có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đại diện cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đại diện cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta, kết quả hoạt động của các cơ quan đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao.

Việt Nam đảm nhiệm trọng trách lớn này trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thậm chí chưa có tiền lệ, thay đổi căn bản so với giai đoạn trước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả chúng ta đạt được là rất đáng tự hào.

Việt Nam đã thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Việt Nam đã cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an thảo luận, thông qua các biện pháp giảm căng thẳng, thúc đẩy để các bên đàm phán, tìm giải pháp bền vững đối với xung đột, điểm nóng ở các khu vực. Chúng ta cũng luôn đề cao tinh thần nhân đạo, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nỗ lực bảo vệ an toàn, tính mạng và sinh kế của người dân trong xung đột vũ trang, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới các nỗ lực ứng phó với Covid-19, ủng hộ viện trợ nhân đạo, cứu trợ thường dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.

Thứ hai, chúng ta đã thực hiện thành công chủ trương giữ nước từ sớm, từ xa, kiên định mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước; tận dụng sáng tạo "trọng trách kép" tại Hội đồng Bảo an và ASEAN để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, vai trò, tiếng nói của ASEAN; thu hút nguồn lực để xử lý vấn đề hậu quả chiến tranh, bom mìn ở Việt Nam; phát huy tốt vai trò tại Hội đồng Bảo an cùng với sự tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; thúc đẩy xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Tư tưởng xuyên suốt là cần phải có cách tiếp cận đa phương để cùng tìm giải pháp thỏa đáng, bền vững; đối với các vấn đề mang tính toàn cầu thì cần phải có các giải pháp toàn cầu để ứng phó", Thủ tướng nói.

Thứ ba, hoạt động tham gia, đóng góp xây dựng có trách nhiệm của ta vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đã làm gia tăng rõ rệt uy tín và vị thế đất nước, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực và trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại. Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực, được các nước ủy viên Hội đồng Bảo an, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, các nước trong Phong trào không liên kết... coi trọng, đánh giá cao, nhất là trong 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 01/2020 và tháng 04/2021.

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần thực hiện mục tiêu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, tất cả vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước trong bối cảnh mới.

Từng cán bộ làm công tác đối ngoại, công tác ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả hết sức tích cực đã đạt được, nhất là trong năm 2020 và 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn vừa qua, tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa, bản sắc "Cây tre Việt Nam", đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2022 có kết quả cao hơn năm 2021 và năm 2020.

Nguồn báo Chính phủ

 
 
Bài liên quan

Tin mới

Việt Nam - ASEAN ngày càng chủ động, tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới
Việt Nam - ASEAN ngày càng chủ động, tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta tin tưởng rằng, ASEAN đã, đang và sẽ đóng góp ngày càng chủ động, tích cực hơn cùng cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới".

Thu gom trên 1.500m3 rác thải trong tháng cao điểm làm sạch Vịnh Hạ Long
Thu gom trên 1.500m3 rác thải trong tháng cao điểm làm sạch Vịnh Hạ Long

Từ ngày 26/3 đến 20/4, TP. Hạ Long và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp thực hiện đợt cao điểm làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long, thu gom, xử lý được trên 1.500m3 rác thải, chủ yếu là vật tư phao xốp, bè mảng hỏng, túi nilon…

Indonesia mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để triển khai thỏa thuận về vấn đề an ninh lương thực
Indonesia mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để triển khai thỏa thuận về vấn đề an ninh lương thực

Sáng 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, đang thăm chính thức Việt Nam.

QLTT Vĩnh Long xử lý hàng chục vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 600 triệu đồng trong tháng 4/2024
QLTT Vĩnh Long xử lý hàng chục vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 600 triệu đồng trong tháng 4/2024

Trong tháng 4 năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra 64 vụ. Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch 33 vụ; kiểm tra đột xuất 31 vụ.

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) thành công trong việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital (Bain)
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) thành công trong việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital (Bain)

Ngày 22/4, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) công bố đã hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital (Bain), quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD.

Đến 15/4, cả nước nhập khẩu 38.784 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 803 triệu USD
Đến 15/4, cả nước nhập khẩu 38.784 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 803 triệu USD

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng Tư cả nước nhập khẩu 6.504 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt gần 127 triệu USD.