Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản sắc "cây tre Việt Nam" đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Sáng 14/12 tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; và cũng có thể gọi đây là Hội nghị có ý nghĩa lịch sử vì đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đất nước ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo.
Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tác động nhiều mặt, gây ra những tổn thất nặng nề đối với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có nước ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát có hiệu quả đại dịch, chủ động đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" để phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu rõ, đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị".
Nhắc lại những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hoà hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hoà nhập vào dòng chảy của thời đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.
Một lần nữa nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ cơ bản của công tác đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hoà bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.
Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao là những người đi đầu.
"Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt", "mềm nắn rắn buông", Tổng Bí thư nêu rõ.
Q.N (t/h)