Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Từ việc phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại, quan điểm đối ngoại và các biện pháp thực hiện trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị sẽ tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước ngày nay.
Thực hiện đúng phương châm “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nước ta đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ gìn môi trường hòa bình; không chỉ tranh thủ được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn tạo điều kiện để tham gia vào các hệ thống của khu vực và quốc tế cũng như hệ thống các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, Việt Nam xử lý được những thách thức, trong đó có cả những thách thức an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Muốn như vậy, chúng ta phải quán triệt đường lối đối ngoại và triển khai đồng bộ cả về song phương và đa phương trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị.
Theo VOV.vn