Người tiêu dùng cần cảnh giác khi sử dụng ví điện tử - Hình 1

Với các ví điện tử, kẻ lừa đảo khi biết số điện thoại của nạn nhân bèn sử dụng chính số điện thoại của nạn nhân để đăng ký ví điện tử. Khi đăng nhập, chúng giả vờ nhập sai mã OTP để ví gửi tin cảnh báo về điện thoại nạn nhân. Bằng các chiêu dụ dỗ, chúng yêu cầu nạn nhân gửi lại mật khẩu nhằm thực hiện việc chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Như thế, mã OTP trong mọi trường hợp là chốt chặn cuối cùng, mỗi mã chỉ có giá trị trong vài phút, nên kẻ lừa đảo muốn có nó nhanh nhất. Mã OTP là chiếc chìa khóa mở cửa các giao dịch/tài khoản, không có bất cứ ai có quyền yêu cầu người dùng cung cấp mã ấy, kể cả các giao dịch viên, hay TT CSKH. Vì thế, với mọi yêu cầu cung cấp mã OTP nhanh nhất, đều mang dấu hiệu lừa đảo. Gìn giữ mã OTP, sẽ khiến kẻ lừa đảo dù có thể chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng hay ví điện tử vẫn không thể lấy được tiền.

Một điểm quan trọng nữa, khi chiếc smartphone đang ngày càng chứa nhiều thông tin quan trọng, ngoài việc bảo mật thì ngay khi mất điện thoại, tất cả các thông tin ngân hàng, ví điện tử hay dịch vụ tài chính khác cần được khóa lại và đổi mật khẩu ngay lập tức. Đã có nhiều trường hợp vì nạn nhân chậm khóa, kẻ gian đã đi từ tài khoản email, mạng xã hội đến các dịch vụ tài chính và rút mất nhiều tiền.

Hiện có rất nhiều người sử dụng ví điện tử để thanh toán trên mạng in-tơ-nét. Để phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản từ ví điện tử cũng như tài khoản ngân hàng, Cơ quan Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao khuyến cáo rằng, mỗi cá nhân không cho người khác mượn, sử dụng tài khoản của mình, không nên lưu giữ mật khẩu trên các thiết bị di động, máy tính. Sau khi sử dụng tài khoản ví điện tử để thanh toán, cần đăng xuất ngay. Dù ví điện tử có cơ chế bảo đảm để tránh lừa đảo, đánh cắp, nhưng thủ tục khiếu nại, xử lý thường không đơn giản và mất nhiều thời gian để xác minh.

Để bảo đảm an toàn, người sử dụng ví điện tử tuyệt đối không chia sẻ tài khoản ngân hàng, ví điện tử với người khác; không nên dùng chung một tài khoản cho các dịch vụ khác nhau. Ngoài ra, cần cài đặt phần mềm phòng, chống vi-rút thường trực trên máy tính cũng như ĐTDĐ để tránh lộ, lọt thông tin quan trọng như tài khoản Facebook, tài khoản ví điện tử, ngân hàng… Các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử cũng cần thực hiện rà soát quy trình cung cấp dịch vụ, kiểm tra an ninh các phần mềm ví điện tử để bảo đảm an toàn cao nhất cho khách hàng.

Trước thủ đoạn tinh vi của tội phạm, người dùng Ví điện tử cần hết sức cẩn trọng, nâng cao ý thức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hà Trần