Nguồn gốc ra đời
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, người ta lấy ngày này là ngày nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Năm nay, lễ Vu Lan rơi vào ngày 15/8 dương lịch.
Truyền thuyết kể rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông muốn xem mẹ mình đang như thế nào nên đã dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm.
Thấy mẹ bị cực hình ở địa ngục, thân thể tiều tuỵ vì đói khát, ông đã mang cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng do đói ăn lâu ngày, khi ăn mẹ ông dùng tay che bát cơm vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Khi đưa bát cơm lên miệng thì bị hoá thành lửa đỏ.
Đức Phật dạy ông rằng chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong cứu được mẹ. Nên vào ngày Rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ, Mục Kiền Liên đã chuẩn bị một lễ dâng cúng và cầu xin cứu mẹ mình khỏi địa ngục.
Mục Liên làm đúng như thế, không những cứu được mẹ, ông còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó, ngày lễ Vu Lan cũng được gọi là ngày Xá tội vong nhân theo tục lệ Á Đông.
Những ai còn mẹ sẽ cài bông hồng màu đỏ. Ai mất mẹ cài bông hồng trắng
Bông hồng cài áo
Nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan, theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, xuất phát từ áng văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào những năm 1960.
Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.
Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Ý nghĩa bông hoa cài trên ngực áo
Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.
Những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời...
Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo.
Hằng Vương (t/h)