Cá chết hàng loạt tại bãi biển Đà Nẵng
Trước đó, ngày 10/11/2018, đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến gần khu du lịch Xuân Thiều (đường Nguyễn Tất Thành, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) xảy ra hiện tượng hàng loạt cá chết trôi dạt vào khu vực bãi biển. Số lượng cá chết ước tính khoảng 950kg, chủ yếu là cá mòi cờ chấm sinh sống gần bờ.
Sau đó, đoàn kiểm tra của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, trên các kênh xả thải và dọc bờ biển Xuân Thiều. Kết quả kiểm tra kết luận, khu vực này không có mùi hôi thối của nước thải, hoạt động sinh hoạt của bà con gần khu vực bờ biển Xuân Thiều diễn ra bình thường.
Ngoài ra kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ cho thấy, các thông số PH, oxy hòa tan (DO), Amoni (NH4), Phosphat, Cyanua đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển vùng biển ven bờ (so sánh với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước/vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh).
Theo báo cáo của Đoàn công tác, trên địa bàn khu vực chỉ có nguồn nước thải sinh hoạt thải ra môi trường, không có nguồn thải công nghiệp. Trong khi đó Trạm xử lý nước thải Phú Lộc hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam theo quy định.
Đối với các nguồn thải công nghiệp khác như: Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng… đều có Trạm Xử lý nước thải tập trung, các nguồn thải này đều chảy ra sông Cu Đê. Kết quả khảo sát cho thấy, không có hiện tượng cá chết tại vị trí cửa sông Cu Đê chảy ra biển.
Theo kết luận,“Các loài cá chết trôi dạt lên bờ là cá mòi, không có các loại cá khác bị chết, nên nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển gây nên hiện tượng cá chết được loại trừ. Như vậy, có thể xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết vừa qua, là do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá mòi trên biển trong khu vực vịnh Đà Nẵng”.
Thanh Bình