Nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam - Hình 1

Điểm mới của nghị quyết quy định vốn chủ sở hữu nhà đầu tư với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư. Đây là mức cao hơn so với quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án BOT của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP hiện hành về đầu tư theo hình thức PPP.

Việc nâng vốn chủ sở hữu lên cao, theo nhiều chuyên gia kinh tế lý giải nhằm đảm bảo dự án khả thi về vay vốn khi gần đây các ngân hàng có yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án BOT.

Nghị quyết thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT để triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Đối với mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tính toán phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư bằng mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh. Thực tế, với các dự án BOT đường bộ đã triển khai thời gian qua, mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động ở con số 11,5 - 14%.

Tính trung bình ở 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 11,77%.

Tại nghị quyết về cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án quy định: “Nhà đầu tư sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.

Để có cơ sở xử lý những trường hợp nhà đầu tư đã ký hợp đồng BOT chính thức, nhưng chậm hoặc không huy động được phần vốn vay làm ảnh hưởng tiến độ dự án, dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý như đã từng xảy ra ở một số dự án BOT giao thông vừa qua, nghị quyết quy định nhà đầu tư bị coi là vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mà không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng và đề xuất giải pháp xử lý.

Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua đấu thầu, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định, đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua, mời thêm một số chuyên gia (nếu cần thiết).

Bên cạnh đó, nghị quyết quy định việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng/giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng; Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình.

PV