Ngày 1/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cùng với một số Sở, ngành và chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau kiểm tra nhà máy rác này sau khi nhận được tờ trình xin tiếp tục gia hạn đóng cửa thêm 3 tháng nữa.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đi khảo sát Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau vào ngày 1/11. Ảnh Gia Bách
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận cho Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau thuộc Công ty TNHH TM-XD-DL Công Lý (Công ty Công Lý) ngưng hoạt động 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng (kể từ ngày 27/7). Đến ngày hết hạn bảo trì, chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng tiếp nhận rác thêm 3 tháng.
Tại cuộc họp, ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý, đã trình bày những khó khăn khiến nhà máy phải tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng hoạt động. Nguyên nhân xin gia hạn là chờ nhập thiết bị xử lý. Hiện tại nhà máy đang bị thu lỗ 130 tỉ, đang bị ngành thuế phạt trên 10 tỉ đồng nên rất khó khăn về vốn.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường xác nhận, nhà máy đang chờ nhập thiết bị của Đức, thời gian kéo dài trên 70 ngày. Tuy nhiên, ông Lên cũng nêu thực tế, thời gian này, các bãi rác tạm sẽ “quá mức chịu đựng” do quá tải. Hiện tại 1 số huyện vẫn chưa tìm được vị trí làm bãi rác tạm, còn bãi rác tạm ở H.Đầm Dơi hết khả năng chứa, nếu tiếp tục để Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau ngưng hoạt động thì việc tập kết, xử lý các bãi rác tạm sẽ khủng hoảng, ông Lên cho biết thêm.
Ông Lâm Văn Bi cho biết mặc dù Cà Mau rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng thời gian để nhà máy ngưng hoạt động, tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, đến nay đã hết, và không thể để nhà máy tiếp tục ngưng hoạt động.
"Quan điểm của tỉnh là không đồng ý cho gia hạn. Đề nghị chủ đầu tư phải tìm mọi biện pháp để lắp đặt thêm thiết bị, hoạt động trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh cũng không còn thời gian và việc châm trễ này Công ty Công Lý phải tự chịu trách nhiệm", ông Lâm Văn Bi nói thêm.
Bãi rác tạm tại huyện Cái Nước đã quá tải. Ảnh Nhật Hồ
Về việc Công ty Công Lý đề nghị tăng mức hỗ trợ xử lý rác từ 350.000 đồng/ tấn rác lên 500.000 đồng/tấn rác, ông Lâm Văn Bi cho rằng chính quyền địa phương đang áp dụng định mức hỗ trợ chi phí xử lý rác, chớ không phải thuê nhà máy xử lý rác.
“Cà Mau đang hỗ trợ cho nhà máy không thấp hơn so với các tỉnh, nên chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn với ngân sách của địa phương, do đó hiện tại không thể tăng thêm mức hỗ trợ...”, ông Bi nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ cho chủ đầu tư tiêu thụ các sản phẩm sau xử lý rác.
Đối với việc nợ thuế, ngành thuế cũng đề nghị tỉnh cho tạm ứng để trả nợ thuế gần 8 tỉ đồng gồm phạt và phạt chậm nộp.
Hải Đăng