Khoảng cách từ 2 nhà máy đến các khu vực dân cư sinh sống quá gần nên cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, ô nhiễm nguồn nước
Bộc lộ những bất cập
Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, công suất thiết kế 200 tấn/ngày đêm, đang tiếp nhận, xử lý 160 - 180 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm hoạt động từ cuối năm 2012 tại thôn Cổ Chẩm (xã Việt Hồng).
Đầu năm 2018, ngay cạnh nhà máy này, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cũng đưa nhà máy xử lý rác vào vận hành thử nghiệm với công suất 183 tấn/ngày. Việc 2 nhà máy rác này đưa vào hoạt động, sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững tại các khu đô thị và dân cư trên địa bàn TP. Hải Dương và những khu vực lân cận.
Tuy nhiên, quá trình vận hành của 2 nhà máy rác đã bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân các xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng (Kim Thành) - khu vực giáp ranh 2 nhà máy xử lý rác thải.
Theo phản ánh, khoảng cách từ 2 nhà máy đến các khu vực dân cư sinh sống quá gần nên cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, ô nhiễm nguồn nước. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, nhưng tình trạng trên chưa được giải quyết.
Ông Phùng Văn Quảng, thôn Phạm Xá (xã Tuấn Hưng) phản ánh, trước đây khi nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, người dân phải gánh chịu ô nhiễm môi trường như mùi hôi thối, mùi khét từ đốt lốp cao su bay vào nhà, không khí ngột ngạt và khó thở. Đến nay, khi nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đưa vào vận hành, khiến nỗi lo của người dân về ô nhiễm môi trường càng nhân lên.
“Chúng tôi đã thông báo cho Công an Môi trường tỉnh Hải Dương về kiểm tra và tiến hành xử lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng phải bắt được quả tang 3 lần thì mới tiến hành xử lý. Những lần tôi bắt gặp họ xả thải ra sông và điện báo cho UBND xã Tuấn Hưng, nhưng chỉ ít lâu sau người của công ty có mặt cho dội và lấp hết các phần nước ô nhiễm lại”, ông Quảng nói.
Ông Nguyễn Hồng Bạch, thôn Xuân Mang (xã Tuấn Hưng) bức xúc: “Hàng ngày, chúng tôi phải sống trong không khí đặc quánh những thứ mùi hôi thối, khó ngửi và bụi bặm. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Họ xả thải chủ yếu vào ban đêm, khi đó không có ai đi kiểm tra. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân và những người thân”.
Người dân làng Đông (xã Cổ Dũng, Kim Thành) cũng phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ các nhà máy xử lý rác thải. Họ nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng, nhưng môi trường vẫn bị ô nhiễm.
Phản ánh có cơ sở
Ghi nhận từ thực tế, tại Nhà máy rác thải APT-Seraphin Hải Dương, rác thải tồn đọng chất cao như núi, không được che chắn. Tại nhà máy xử lý rác Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, lượng rác cũng tồn lớn (đang vận hành thử nghiệm nhà máy).
Khoảng cách từ 2 nhà máy đến các khu vực dân cư sinh sống quá gần nên cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, ô nhiễm nguồn nước
Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng, Nguyễn Danh Mậu cho biết: Từ những năm trước, UBND xã đã nhận được kiến nghị của bà con thôn làng Đông về việc này. UBND xã Cổ Dũng đã văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN&MT, UBND huyện Kim Thành tiến hành kiểm tra. Phản ánh của người dân làng Đông là có cơ sở.
Theo đại diện Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương, hiện các lò đốt đều có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật không thể có phát tán được rộng, chỉ phát tán trong khuôn viên của phía công ty. Nếu nói về việc bị ảnh hưởng của khói và mùi khét, thì ở khu vực này có mấy doanh nghiệp đều xả khói ra môi trường.
Người dân còn nhiều băn khoăn về việc nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương vận hành, hiện NM mới chưa đủ các điều kiện, thủ tục để hoạt động nhưng chính quyền địa phương đã quyết định cho vận hành?
Câu hỏi đặt ra ở đây: Nhà máy mới đã được phê duyệt ĐTM hay chưa? Nhà máy xử lý rác thải lại gây ô nhiễm môi trường? ĐTM không cho phép chôn lấp rác và hiện ngoài việc chôn lấp rác, nhà máy còn đổ ra cả ngoài đường, vậy xử lý như thế nào?…
Nhóm PV