Ô nhiễm môi trường làng nghề: SOS! - Hình 1

Ô nhiễm môi trường làng nghề: SOS!

Theo các cơ quan chức năng, cả nước hiện có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề đã thu hút khoảng 11 triệu lao động, đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương...

Tuy nhiên, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần.

Ước tính, mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, hàng nghìn m3 nước thải sinh hoạt. Riêng ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt…, hầu hết các loại chất thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Đáng lo ngại là một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa thực sự chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm, dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm.

Theo TS. Nguyễn Quang Hùng, Vụ Khoa học – công nghệ và môi trường (Văn phòng Quốc hội), hiện trạng môi trường làng nghề hiện nay đã làm gia tăng số người mắc bệnh đang lao động và sinh sống ở làng nghề. Tỷ lệ này, có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Qua khảo sát, ở một số làng nghề mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn 10 năm so với các làng không làm nghề. Thực tế đó, đặt ra vấn đề là cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có hành động thiết thực để hạn chế những tác động xấu của ô nhiễm làng nghề đến môi trường và sức khỏe người dân...

Để các làng nghề phát triển bền vững, đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, quản lý môi trường làng nghề phải dựa vào cộng đồng. Theo đó việc xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm và thực hiện hiệu quả có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đã được giao làm cơ quan đầu mối xây dựng Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề. Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tại các làng nghề được xác định là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường.

Để xây dựng kế hoạch, Cục đã triển khai thực hiện một số nội dung như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cách thức quản lý các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ, mang tính truyền thống, tập trung tại khu vực nông thôn và rút ra bài học cho Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua để có biện pháp xử lý phù hợp với đặc trưng của làng nghề…

Thủy Hương