Không có sức hút nào khiến người dân dịch chuyển từ nắm giữ vàng, ngoại tệ sang tiền đồng mạnh như chứng khoán. Ảnh: THÀNH HOA
Có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại này, như: (1) nhà đầu tư có thể đã cạn sức về mặt tài chính sau khi mua cổ phần của ba doanh nghiệp tầm cỡ trước đó là Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil, PVPower, (2) khối ngoại không được tham gia mua cổ phần VRG; (3) sau VRG còn nhiều doanh nghiệp tiềm năng và triển vọng sắp IPO để giới đầu tư chọn lựa...
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là VRG đơn thuần là doanh nghiệp sản xuất, đã thế lại là sản xuất, chế biến cao su thiên nhiên - mặt hàng nông sản có giá cả biến động mạnh trên thị trường thế giới. Đầu tư vào nông nghiệp luôn rủi ro, chưa kể VRG đang sử dụng lực lượng lao động lên đến hàng trăm ngàn người.
Ngay cả khi giá cao su xuất khẩu xuống thấp và mất giá kéo dài tính bằng năm, tập đoàn vẫn phải đảm bảo thu nhập cho người lao động. Nói cách khác chi phí đầu vào luôn ổn định và chỉ có tăng, nhưng doanh thu và lợi nhuận lại phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nơi chúng ta không kiểm soát được.
Cho đến giờ, sự phân hóa trên thị trường chứng khoán đã rõ như ban ngày. Các cổ phiếu của các ngành dịch vụ, thương mại như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm tăng phi mã 50-100% trong vòng 12 tháng qua. Cổ phiếu các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, hàng không, taxi, giáo dục, y tế... cũng thuộc nhóm tăng trưởng, nhưng thấp hơn dịch vụ tài chính.
Riêng cổ phiếu ngành nông nghiệp, chế biến thủy sản hải, lương thực - thực phẩm, mía đường, cao su, sản xuất điện - nước, khai thác than, khoáng sản không biết mùi vị tăng giá, thậm chí còn giảm. Duy nhất chỉ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng được “ăn theo” bất động sản nên cổ phiếu ít nhiều còn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nắm giữ trung, dài hạn.
Nhìn từ thị trường chứng khoán rộng ra cả nền kinh tế, khoảng cách giữa tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày một doãng ra. Diễn đạt một cách trần trụi, đi buôn kiếm được lợi nhuận cao hơn công nhân và nông dân đầu tắt mặt tối bám công xưởng, bám ruộng, bám đìa tôm, ao cá, vườn cây. Các công ty mua buôn bán lẻ điện, nước, xây dựng điện, thiết bị điện lãi cao hơn các nhà máy sản xuất điện và giá cổ phiếu của chúng cũng được chuộng hơn.
Chính phủ và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là Bộ Tài chính và giới đầu tư, cả nội lẫn ngoại, không biết ai đang vui mừng hơn ai khi VN-Index là chỉ số tăng trưởng thứ ba trên thế giới trong tháng 1-2018 (13%). Đã lâu lắm rồi, gần mười hai năm, chứng khoán Việt mới được xếp thứ hạng cao như vậy dù chỉ xét trong một tháng. Năm nay là năm bản lề thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa, đưa công cuộc cải cách doanh nghiệp quốc doanh lên đỉnh cao. Vốn nhà nước thoái thành công đến đâu, giá nào, phụ thuộc vào một trong những yếu tố cốt lõi: sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Không có sức hút nào khiến người dân dịch chuyển từ nắm giữ vàng, ngoại tệ sang tiền đồng mạnh như chứng khoán! Không làn gió vô hình nào có sức lay động tiền gửi tiết kiệm chuyển sang mua cổ phiếu IPO hay cổ phiếu trên sàn nhanh như chứng khoán! Vốn nước ngoài, huy động ở đâu không biết (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán, các ngân hàng giám sát không có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ truy xuất nguồn gốc tiền giải ngân vào chứng khoán - NV) chảy vào chứng khoán Việt cao chưa từng có từ trước đến nay sau khi VN-Index tăng trưởng 48% năm ngoái. Bất động sản cũng thua chứng khoán bởi thanh khoản. Mua bán căn nhà mất cả tuần, cả tháng, còn giao dịch cổ phiếu một ngày, thậm chí một giờ là xong.
Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tuyên bố năm nay thoái vốn nhà nước sẽ gấp 6,5 lần năm ngoái. Liệu đã có chỉ tiêu nào được Chính phủ công khai một cách dứt khoát với mức tăng trưởng cao như vậy?
Tất nhiên Chính phủ tính toán cả. VN-Index đang hội tụ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đi lên. Ngắn hạn có thể có những đợt điều chỉnh mạnh nhưng nhìn dài hạn, vận hội của chứng khoán đã được nuôi dưỡng bằng cả một thập kỷ suy thoái, bầm dập, nên cơn “dead cat bounce” (cú nảy của mèo chết - tạm dịch) này có thể kéo dài cả năm. Sức tiến lên phía trước của chứng khoán thật khó dự báo khi nhìn lại lịch sử năm 2006 VN-Index đã từng tăng trưởng 142%.
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. So với bước nhảy thần kỳ của bitcoin vừa qua trước khi nó điều chỉnh, tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam chỉ bằng “móng tay”. Nhưng những nhà quản lý thị trường tỏ ra tinh thông khi không giới hạn quy mô thị trường ở mức hiện tại. Quy mô thị trường chứng khoán đang tăng trưởng. Bảy ngân hàng thương mại chuẩn bị lên sàn. Kế đó là hàng loạt doanh nghiệp dầu khí, xây dựng, bất động sản, viễn thông, tiêu dùng... toàn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhà nước cũng tiếp tục thoái vốn khỏi các tên tuổi đang niêm yết như Vietcombank, Habeco, Sabeco, Vinamilk, Petrolimex, Vietnam Airlines, ACV, BIDV, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Vinaconex... Nhà đầu tư cần bao nhiêu cổ phiếu, Nhà nước sẽ cung ứng bấy nhiêu. Nhà nước đã và đang chuẩn bị kỹ càng cho việc khai thác thị trường chứng khoán.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, không úp mở rằng cơ quan quản lý và Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để thị trường được nâng hạng lên mới nổi chậm nhất vào năm 2019. Sự nâng hạng sẽ kéo dòng vốn ngoại vào thị trường ở mức nhiều hơn hẳn. Tiền vào, thoái vốn nhà nước mới dễ và được giá.
Cân đối ngân sách vẫn đang khó khăn, nợ công vẫn cao. Thoái vốn nhà nước thu về hàng chục tỉ đô la Mỹ là nguồn bù đắp không thể tốt hơn. Nhà nước đã sẵn sàng ở cả vai trò điều hành, tạo dựng môi trường và chủ thể tham gia vào cuộc chơi lớn thoái vốn.
Vốn ngoại chảy vào chứng khoán Việt cao chưa từng có từ trước đến nay sau khi VN-Index tăng trưởng 48% năm ngoái. Bất động sản cũng thua chứng khoán bởi thanh khoản. Mua bán căn nhà mất cả tuần, cả tháng, còn giao dịch cổ phiếu một ngày, thậm chí một giờ là xong.
Theo TBKTSG