THCL Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Bộ Xây dựng với mục tiêu người thu nhập thấp cũng được “chạm tay” sở hữu nhà tại các đô thị lớn.
Trần bị thấm loang lổ tại nhà A1 - D3, Khu đô thị Đặng Xá
Tuy nhiên, cũng bởi phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát khiến một số khu chung cư là nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư, chỉ sau một thời gian sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp…
1001 kiểu xuống cấp
Khảo sát thực tế cho thấy, một số khu chung cư giá rẻ trên địa bàn TP. Hà Nội, hầu hết chất lượng công trình các dự án đều xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù người dân đã phản ánh nhiều lần tới ban quản lý chung cư, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tại tòa nhà NO12-03, KĐT Sài Đồng (Long Biên), chị Huế, chủ căn hộ 202 cho biết, tòa nhà đi vào sử dụng được hơn 1 năm, nhưng 2 phòng ngủ bên cạnh nhà vệ sinh đều bị thấm tường, gây mốc loang lổ, dù đã cạo ra 1 lần và sơn bả lại toàn bộ phần tường này, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì sự cố lại tiếp diễn.
Chị Huế bức xúc: “Chúng tôi vào ở được khoảng 1 tháng (từ tháng 5/2014), căn hộ bắt đầu có sự cố tràn nước thải, bọt xà phòng theo lỗ thoát nước tràn lênh láng ra toàn bộ khu vực ban công, ngấp nghé tràn vào nhà. Sau khi nước bẩn và bọt xà phòng rút đi thì đọng lại cát và đất bẩn trên sàn. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, phía đơn vị thi công đồng thời cũng là đơn vị chịu trách nhiệm bảo hành tòa nhà có đến xem xét, nhưng không tìm ra nguyên nhân nên 1 năm nay gia đình tôi vẫn lo lắng, một ngày nào đó nước thải sẽ tràn vào nhà như trường hợp của một gia đình tại tầng 2 tòa nhà này”.
Được biết, tháng 3/2015, căn hộ 212 cùng tòa nhà cũng bị sự cố này. Bọt xà phòng và nước thải tràn ngập gần như toàn bộ căn hộ, làm cho sàn nhà bằng gỗ bị hư hỏng, phải lát lại sàn mới. Chủ căn hộ này cho biết, sau khi báo cho đơn vị thi công, mất gần 3 tháng, vụ việc mới được xử lý.
Nhiều hộ dân cho biết chất lượng của một số thiết bị không đạt tiêu chuẩn như ổ khóa, nắm đấm kém, hầu hết người dân tự thay khóa, nắm đấm mới; khung cửa bị cong, vênh, cửa sổ thường xuyên bị nước mưa tràn vào nhà dù đóng kín; vữa xây, vữa trát kém nên tường dễ bục...
Tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm), theo người dân, thang máy hay bị treo, kẹt, có người bị kẹt trong thang máy hàng tiếng đồng hồ, gây nên tâm lý lo sợ cho người dân mỗi khi lên xuống; trần nhà tại sảnh tầng 1 của tòa nhà bị thấm nước; mỗi khi trời mưa vẫn bị nước mưa chảy vào nhà do cửa sổ nhôm kính có khe hở… Người dân đã phản ảnh với ban quản lý nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Những người dân sinh sống tại khu nhà ở xã hội phường Kiến Hưng (Hà Đông) cũng trong tình cảnh tương tự. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thu Hằng, trú tại tầng 19, CT6 khẳng định: Chất lượng nhà ở rất kém. Ngay khi mới nhận nhà (đầu năm 2013), gia đình đã phát hiện những vết nứt ở trần và tường. Đặc biệt, trần nhà vệ sinh bị thấm dột do nước từ tầng thượng ngấm xuống. Phía Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai, đơn vị chủ đầu tư tòa nhà đã cho người xuống sửa đến lần thứ tư, nhưng tình trạng này chưa thể khắc phục.
Anh Đỗ Quốc Tuấn, cùng trú tại tầng 19 tòa nhà bức xúc: Ngay cả hệ thống cửa kính cũng có vấn đề, nhất là những nhà ở phía hướng tây, mỗi khi mưa to, nước tràn qua khe cửa kính, chảy vào sàn nhà. Người dân tự khắc phục bằng cách lấy giẻ bịt khe kính, nhiều nhà còn xây tường con kiến để phòng tránh nhưng cũng chỉ đối phó với mưa nhỏ còn hôm trời mưa to, gió bão thì phải mang giẻ và xô chậu để thấm và vắt nước…
Phải quy trách nhiệm
Trả lời về những vết nứt và một số hạng mục bị hư hỏng tại Dự án nhà ở xã hội Ecohome, theo đại diện Công ty Đầu tư và Thương mại Thủ Đô, bà Ngô Thúy Kiều: “Dự án vẫn đang trong thời kỳ bàn giao, bảo trì nên vấn đề trên chỉ là nhỏ, không quá nghiêm trọng”. Và rằng: “Vết nứt chạy dài tại khu nhà E1 là vị trí khe co giãn giữa 2 đơn nguyên A và B. Nứt tại vị trí khe co giãn là hiện tượng bình thường, nằm trong tiên lượng của thiết kế, không ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn chịu lực của công trình”.
Bàn về vấn đề này, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ Việt Nam, một số công trình bắt đầu khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp là do khâu triển khai thi công và tư vấn giám sát bắt tay nhau để “rút ruột”, thậm chí có sự đồng lõa của chủ đầu tư công trình. Vấn đề này, đang là điều nhức nhối trong công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt là ở các dự án tái định cư, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp... Trách nhiệm giám sát thuộc về thanh tra sở xây dựng tại nơi có các dự án triển khai.
GS. TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những dự án nhà ở xã hội là phân khúc mới phát triển ở Việt Nam, năm 2011 mới bắt đầu có dự án cung cấp sản phẩm ra thị trường. Vì là bước ban đầu cho nên bao giờ các nhà đầu tư cũng cho rằng đây là lĩnh vực đầu tư ít lợi nhuận, giá thành được bao cấp, bán cho người thu nhập thấp… vì vậy các nhà đầu tư cũng chưa quen, trong đó có nhiều nhà đầu tư chểnh mảng về chất lượng, kể cả cơ quan quản lý cũng chểnh mảng về việc quản lý chất lượng. Trong tương lai, nhà ở xã hội vẫn là một điểm quan trọng để giải quyết nhà ở cho người nghèo và người thu nhập thấp, do đó cần có giải pháp để làm khu vực nhà ở xã hội này tốt hơn. Vấn đề mấu chốt là trách nhiệm của nhà đầu tư cần xác định cho họ đến đâu và họ phải thể hiện trách nhiệm đó như thế nào?…
“Luật Nhà ở 2013 cũng đã có một chương về nhà ở xã hội rất dày dặn, hy vọng khi triển khai chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm, bài học cũng như có cách quản lý tốt hơn đối với nhà ở xã hội. Vấn đề là cách thức kiểm tra việc triển khai dự án như thế nào để không quá tốn kém, đồng thời có thể bắt buộc được các chủ đầu tư phải sửa chữa, khắc phục những yếu kém trước đây”, ông Võ nhấn mạnh.
Kiều Tuyết ( Thương hiệu & Công luận)