Cụ thể, theo bạn đọc phản ánh (anh Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngày 19/4/2021 anh Q. có mua đơn thuốc điều trị tuyến giáp, trong đó có loại thuốc Navacarzol (Carbimazole) 5mg (thuốc nhập khẩu của Italy). Tuy nhiên, khi thanh toán, anh Q. bất ngờ một hộp thuốc Navacarzol có giá 275.000 đồng/hộp (giá mà trước kia anh mua chỉ 95.000 đồng/hộp), cao gần gấp 3 lần giá thị trường.
Hỏi lại nhân viên bán thuốc liệu giá thuốc có nhầm lẫn không? Tại sao lại có sự tăng giá bất thường như vậy? Anh Q. nhận được câu trả lời như để cho có… Em cũng không rõ!
“Dù rất bức xúc nhưng tôi cũng đành phải cắn răng mua 2 hộp là 550.000 đồng vì ở nhà đã hết thuốc (đây lại là loại thuốc chính để điều trị cho những bệnh nhân bị cường giáp).
Bất ngờ hơn nữa, mặc dù đây là nhà thuốc có tiếng ở Hà Nội, nhưng khi tôi yêu cầu được viết hoá đơn VAT để về thanh toán bảo hiểm (đơn thuốc hơn 500.000 đồng), nhân viên Nhà thuốc Minh Tiến trả lời: Bên em không viết được hoá đơn đâu anh ạ, bên em dùng thuế khoán (!?)”, anh Q. bức xúc.
Chưa rõ tại sao giá thuốc lại tăng bất thường như vậy, anh Q. gọi cho chị Th. (chị Th. cũng mở quầy thuốc khu vực Hà Đông), chị Th. cho biết: Loại thuốc Navarcazol này đang rất khan hiếm, chị mới nhận được thông báo từ nhà phân phối hiện tại đang hết hàng, may ra phải hết tháng tư mới có hàng trở lại.
Chị Th. cũng tiết lộ, loại thuốc này đang rất khan hiếm, các nhà thuốc nhỏ sẽ không còn mà chỉ những nhà thuốc lớn họ nhập số lượng nhiều mới còn. Giá cao gấp 3 lần như vậy là họ lợi dụng sự khan hiếm tạm thời để đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi đó thôi…
Để tìm hiểu rõ hơn tại sao giá thuốc lại tăng giá bất thường theo như bạn đọc phản ánh, phóng viên đã liên hệ với đơn vị phân phối dán trên bao bì qua số hotline thì đơn vị này cho biết: “Bên em phân phối loại thuốc này ra thị trường với giá 90.000 đồng/hộp”. Vị nhân viên này còn khẳng định: “Bên em không phân phối loại thuốc này cho Nhà thuốc Minh Tiến và chỉ phân phối duy nhất cho các bệnh viện và nhà thuốc trong bệnh viện”.
Điều này thật mâu thuẫn với giá bán 275.000 đồng/hộp của Nhà thuốc Minh Tiến, cũng như tại sao phía doanh nghiệp phân phối khẳng định không phân phối cho Nhà thuốc Minh Tiến nhưng trên bao bì hộp thuốc lại có dán tem của doanh nghiệp nhập khẩu. Vậy số thuốc trên Nhà thuốc Minh Tiến nhập từ nguồn nào? Ở đâu? Liệu rằng có đảm bảo chất lượng?
Tìm hiểu thêm trong hội các bệnh nhân bị rối loạn tuyến giáp, cường giáp, nhiều bệnh nhân cũng đang rất bức xúc khi mà đây là loại thuốc chính để điều trị bệnh trong khi thuốc là nhập khẩu mà mua ở ngoài hiệu thuốc lại bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng.
Chị Tr. (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, tôi ngày nào cũng phải uống 9 viên/ngày, như vậy một hộp 50 viên (275.000 đồng) tôi chỉ uống trong vòng hơn 5 ngày là hết (những bệnh nhân bị cường giáp phải điều trị trong thời gian rất dài, có khi tính hằng năm), điều này khiến chi phí gánh nặng kinh tế rất lớn. Nhiều bệnh nhân nặng có khi phải uống 15 viên/ngày (gần 90.000 đồng/ngày) đó là chưa kể đến các loại thuốc khác, nếu gia đình không có điều kiện thì vấn đề kinh tế là điều đáng để suy ngẫm.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường kiểm tra làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh về tình trạng bán thuốc giá “chợ đen” của Nhà thuốc Minh Tiến (148 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như hệ thống các nhà thuốc trên toàn quốc (đặc biệt đối với loại thuốc Navacarzol (Carbimazole) 5mg), tránh để dư luận bức xúc kéo dài. Xử lý nghiêm những hiệu thuốc tự ý găm hàng đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đề nghị giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác: “Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”.
Minh Đức