Vào các dịp Ngày Tự do Báo chí thế giới (3/5) hay Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), một số cá nhân, tổ chức hoặc một số đài báo tiếng Việt ở nước ngoài có quan điểm, tư tưởng chống phá Việt Nam lại đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Những chiêu trò “bổn cũ soạn lại” này nhằm bôi đen tình hình tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi rất rõ về tự do báo chí ở Việt Nam.
Mới đây, ngày 3/5 nhân ngày Tự do báo chí thế giới, bất chấp đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, tổ chức Phóng viên không biên giới vẫn giữ cái nhìn sai trái, lệch lạc về nền báo chí Việt Nam. Tổ chức này công bố cái gọi là bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024 nhằm quy chụp cho Việt Nam là một trong những quốc gia không có tự do báo chí. Ông có nhận định gì chỉ số này?
Ông Lê Nghiêm: Trong việc đánh giá quyền tự do báo chí ở Việt Nam mà tôi theo dõi mấy chục năm nay, tôi cảm thấy tự ái nghề nghiệp vì họ luôn luôn đánh giá chỉ số tự do báo chí của Việt Nam là một trong 10 nước kém nhất trên thế giới – như thế là không công bằng.
Với tư cách là người làm báo, với tư cách là người tham gia đối thoại, bảo vệ quyền tự do báo chí của Việt Nam, tôi xin nói rằng cách đánh giá của họ có những sai lầm về mặt phương pháp, và cách đánh giá này không sát với thực tế Việt Nam. Họ tự đánh giá mà không có công trình khảo sát, nghiên cứu nào ở Việt Nam một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Họ cũng không phối hợp với các chuyên gia báo chí của Việt Nam để tổ chức việc nghiên cứu này. Cho nên theo tôi việc đánh giá của họ về mặt kết quả là sai lầm nghiêm trọng.
Các trang báo nước ngoài hoặc các blogger thường xuyên xoáy vào việc một số nhà báo hoặc một số blogger bị bắt giữ để họ cho rằng đó chính là vi phạm quyền tự do báo chí. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Lê Nghiêm: Trong mấy chục phiên đối thoại nhân quyền, phiên nào họ cũng nêu chuyện này ra. Rất nhiều thành viên trong đoàn đối thoại nhân quyền của Việt Nam đã giải thích cho họ hiểu, thứ nhất về mặt nguyên lý ông A, bà B là nhà báo nhưng vi phạm pháp luật Việt Nam, các quy trình tố tụng công khai minh bạch và ra tòa xử có bằng chứng thì mới kết tội thì làm sao lại nói là đàn áp tự do báo chí được. Nhà báo cũng là một công dân, nếu vi phạm pháp luật thì đều phải theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nước nào cũng có luật pháp cả, tại sao lại phải thắc mắc.
Việt Nam đã tham gia vào nhiều công ước quốc tế, đặc biệt là công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc, trong đó có nội dung quy định về quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người vào tháng 9/1982. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền?
Ông Lê Nghiêm: Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất đánh khích lệ trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận. Điều đó thể hiện cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định về quyền con người cơ bản của người dân Việt Nam theo đúng các điều quốc tế.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các điều trong Hiến pháp Việt Nam liên quan đến quyền dân sự chính trị, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, Việt Nam đã ban hành các đạo luật rất quan trọng, gồm: Luật tiếp cận thông tin năm 2016, các chuyên gia nước ngoài liên quan quyền tự do báo chí họ đánh giá chất lượng văn bản pháp luật tiếp cận thông tin của Việt Nam rất cao, rất cởi mở, tiến bộ, nhiều nội dung thông tin đạt chuẩn về quyền con người của quốc tế và quyền tiếp cận thông tin.
Luật báo chí Việt Nam 2016 cũng quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí Việt Nam, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin báo chí. Đó là nỗ lực rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai thực hiện những cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận.
Theo ông, việc thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí có ý nghĩa như thế nào đối với việc lan tỏa những thông tin chính xác, chính thống của Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước?
Ông Lê Nghiêm: Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, lại hoạt động trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0, trong xu hướng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong mọi hoạt động. Đây là cơ hội rất lớn, đồng thời cũng là thách thức đối với nền báo chí Việt Nam.
Thách thức ở chỗ, rất nhiều công nghệ mới ra đời nên cần phải nắm bắt được công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Anh chọn công nghệ nào, đầu tư như thế nào cho tối ưu.
Hơn nữa, hệ thống các nhà báo chuyên nghiệp hiện nay phải đa di năng, có rất nhiều kỹ năng cần thiết liên quan đến công nghệ, từ khâu thu thập, phát hiện thông tin, chủ đề cho đến khâu biên tập, trình bày sản phẩm theo kiểu mới, kiểu đa phương tiện. Phổ biến báo chí không chỉ trên báo in, báo mạng điện tử, mà còn phổ biến trên nhiều nền tảng như Youtube, Tiktok để đến với người dân.
Vấn đề thách thức nữa là kinh phí, Nhà nước quan tâm đầu tư như thế nào? Hiện nay Nhà nước cũng đang rất quan tâm nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng cơ quan báo, đài thì đó cũng là một thách thức.
Với điều kiện chuyển đổi số như hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những cơ chế như thế nào để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ngày càng nhanh hơn, hiệu quả hơn, cũng là để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân, thưa ông?
Ông Lê Nghiêm: Nhà nước cổ vũ, định hướng trong quá trình chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng công nghệ cho báo chí rất rõ ràng. Bên cạnh đó có sự đầu tư xứng đáng, đặc biệt là đầu tư cho các cơ quan báo, đài lớn, chủ lực trong nền báo chí Việt Nam.
Đó là những biểu hiện cho thấy Nhà nước có trách nhiệm đầu tư để phát triển báo chí. Đó là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm báo chí phát huy được vai trò của mình và có được nền báo chí phát triển.
Qua theo dõi, tôi thấy có 2 yếu tố quyết định đến thành công của báo chí trong bối cảnh hiện nay, kể cả thành công trong quá trình cạnh tranh thắng lợi với mạng xã hôi. Yếu tố thứ nhất là công nghệ, Nhà nước đặc biệt quan tâm, động viện, khuyến khích và đầu tư rất mạnh. Các nhà báo đều nỗ lực vươn lên làm chủ công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số và thực hiện hiệu quả năng suất lao động.
Yếu tố thứ hai cũng là thách thức lớn hiện nay, đó là chất lượng nội dung của mỗi bài báo, chất lượng nội dung của mỗi báo, đài phải có sự đột phá, tiến bộ lên. Theo tôi, đây là thách thức lớn nhất của nền báo chí Việt Nam hiện nay.
Theo ông, đối với các quan điểm, đánh giá thiếu kiểm chứng và thiên kiến về tình hình Việt Nam, trong đó có vấn đề tự do báo chí, chúng ta nên có biện pháp ra sao?
Ông Lê Nghiêm: Chúng ta phải chủ động nói đến chuyện này. Truyền thông, báo chí phải nói rõ chuyện này. Tức là tranh luận với tổ chức phóng viên không biên giới, báo chí Việt Nam là diễn đàn của dân, là phương tiện, thông tin thiết yếu của xã hội. Báo chí Việt Nam có sứ mệnh chung với báo chí thế giới là tìm kiếm sự thật và công bố sự thật cho 100 triệu người dân Việt Nam biết. Báo chí Việt Nam miệt mài tham gia vào quá trình xây dựng chính sách công của chính quyền và báo chí nỗ lực tham gia vào quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của cả xã hội. Nỗ lực, kết quả của Việt Nam trong quá trình bảo đảm quyền tự do báo chí không phải như các thế lực nói.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo VOV.vn