Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 với khẩu hiệu "Bứt phá giới hạn" là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019
Diễn đàn có bốn chủ đề lớn là: Chủ đề thứ nhất với tiêu đề “Bùng nổ mua sắm online” thảo luận về xu hướng thị trường thương mại điện tử sẽ mở rộng mạnh mẽ. Chủ đề thứ hai “Thời gian là Vàng” bàn về các giải pháp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử trong thời đại nhiều người tiêu dùng mong muốn nhận được sản phẩm đặt mua trực tuyến trong thời gian tính bằng giờ. Chủ đề thứ ba “Sự nổi lên của AI” là cơ hội để trao đổi về tác động của công nghệ tới mọi doanh nghiệp, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Chủ đề thứ tư “Vốn hay ý tưởng” sẽ giúp các nhà khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến định hướng được đâu là những điểm tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với lĩnh vực khác
Chia sẻ trong diễn đàn, bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook cho rằng, trong năm 2018, các dịch vụ như Zalo, Facebook, Grab... đã và đang tạo nên tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỷ USD ở thị trường Việt Nam. Một con số nghiên cứu khác cũng cho thấy, có khoảng 50% dân số thành thị tại Việt Nam đang mua hàng thông qua các mạng xã hội.
Theo bà Tenzin Dolma Norbhu, tính đến hết tháng 12-2017, kinh tế ứng dụng (nền kinh tế sử dụng các ứng dụng di động) đã mang đến 42.500 việc làm tại Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của các ứng dụng này là sự tương tác mạnh với khách hàng và hoàn toàn khác biệt với các dịch vụ truyền thống vốn bị hạn chế bởi cách thức. Có khoảng 50% dân số thành thị tại Việt Nam đang mua hàng thông qua truyền thông và các mạng xã hội. Việt Nam được xem là một quốc gia hàng đầu trong việc tạo ra các ứng dụng tương tác mạnh. Trong đó phải kể đến các ứng dụng như Zalo, BeeTalk, Mocha hay mạng xã hội việc làm Vietnamworks…
Cũng tại diễn đàn, BTC đã công bố chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2019. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2018 đạt trên 30%. Với sự tăng trưởng cao và liên tục những năm gần đây thì sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD doanh thu vào năm 2020 trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020. Báo cáo EBI Việt Nam 2019 cũng cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistic – giao hàng chặng cuối – hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
Cụ thể, EBI của TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của EBI trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm). Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước. Hải Phòng năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ 3 về EBI. Hai vị trí tiếp sau là Đà Nẵng và Bình Dương...
Linh My