h
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.

Định vị thương hiệu du lịch

Định vị là việc tạo ra vị thế riêng biệt của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh, đảm bảo khách hàng mục tiêu có thể phân biệt rõ thương hiệu với các thương hiệu cạnh tranh khác.

Tiềm năng du lịch Thanh Hóa tương đối đa dạng và phong phú, cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn với các trọng điểm du lịch. Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa cần dựa trên việc xác định các yếu tố khác biệt về lý tính và cảm tính, về giá trị cốt lõi, về thông điệp truyền thông, về bộ nhận diện thương hiệu, về lộ trình định vị thương hiệu, về đối tượng truyền thông thương hiệu...

Trong chiến lược du lịch của Tổng cục Du lịch, việc phát triển theo chiều sâu là bắt buộc và tối cần thiết.

Đối với những địa phương có một số lợi thế ban đầu như Thanh Hoá, ngành du lịch đang ở một giai đoạn và trình độ phát triển mới. Sau quá trình phát triển mạnh, đến nay ngành du lịch đang liên tục hoàn thiện năng lực cùng sự phát triển rộng và đều trên khắp toàn tỉnh.

Năng lực quản lý phát triển, xúc tiến quảng bá đã được nâng lên một bước, hệ thống thông tin ra bên ngoài rộng rãi hơn nhiều, khả năng tự chủ trên thị trường quốc tế mạnh mẽ hơn.

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Xây dựng thương hiệu du lịch đậm đà bản sắc văn hóa

Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế. Với 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, cùng nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... giúp Thanh Hóa thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

Không những vậy, Thanh Hóa còn được biết đến với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã... Là mảnh đất hội tụ không gian văn hóa của 7 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tất cả đã trở thành “chất liệu” quý để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”, với các dòng sản phẩm du lịch nổi bật là: nghỉ dưỡng biển, văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái cộng đồng. Cùng với đó là một số sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: nông nghiệp, trải nghiệm, sự kiện, mạo hiểm, mua sắm... đáp ứng xu hướng và nhu cầu của du khách.

Hiện nay, việc định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia. Bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” đã nhanh chóng được xây dựng và công bố ngày 11/3/2022 (trước thời điểm du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19). Sologan “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” như một lời khẳng định sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch; mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

Đây được xem là cơ sở quan trọng góp phần nhận diện, nâng tầm thương hiệu du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới, tạo sự đồng bộ trong quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa.

Phóng viên TC Thương hiệu và Công luận tác nghiệp thực tế tại khu du lịch sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Phóng viên TC Thương hiệu và Công luận tác nghiệp thực tế tại khu du lịch sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm phát triển du lịch. Trong đó, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa.

Thời gian qua, tỉnh đã có sự tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch quy mô lớn, các dòng sản phẩm cao cấp trên địa bàn. Nhất là các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế đêm, sớm hình thành các khu du lịch phức hợp, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm.

Tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về du lịch, các tụ điểm, cũng như là các khu, điểm du lịch để có chất lượng dịch vụ tốt hơn. Tỉnh cũng đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vấn đề thủ tục hành chính và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp đến; đồng thời Thanh Hóa cũng đã bỏ nhiều nguồn vốn đầu tư các hạ tầng giao thông để kết nối đến các điểm, tuyến du lịch.

n
Loại hình du lịch sinh thái tại  Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng thu hút du khách

Nhờ vậy, năm 2023 ngành du lịch Thanh Hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ với số lượng khách du lịch đạt kỷ lục, tổng số khách du lịch đến tỉnh Thanh Hóa đạt gần 12,5 triệu lượt khách (tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 104 % kế hoạch năm 2023), trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 616.200 lượt khách (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch 2023). Tổng thu du lịch đạt 24.505 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2022, đạt 101,3% kế hoạch năm 2023 (khách du lịch quốc tế đạt 260 triệu USD).

Yếu tố khác biệt trong xây dựng thương hiệu

Đối với ngành du lịch, việc xây dựng thương hiệu có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức hấp dẫn cũng như khả năng cạnh tranh của điểm đến. Đồng thời, thương hiệu cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Qua đó cho thấy, thương hiệu điểm đến tốt không chỉ tạo niềm tin, thu hút du khách mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy du lịch tăng trưởng nhanh và bền vững.

Lễ hội Lam Kinh 2023
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa đã, đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch, tiếp cận thị trường mục tiêu. Trong đó tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Vào tháng 4/2024, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” (sự kiện bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024); đồng thời xúc tiến - kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng mở rộng. Qua đó, không chỉ quảng bá sâu rộng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, mà còn là hoạt động thiết thực cho chiến lược phát triển du lịch.

Để triển khai từng bước việc phát triển thương hiệu du lịch, tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã chú trọng hướng tới việc triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông nhận diện thương hiệu và thông điệp thương hiệu, nhằm hướng tới sự ghi nhận của  thị trường về những yếu tố khác biệt, giá trị cốt lõi thương hiệu gắn với các điểm đến du lịch tiêu biểu của xứ Thanh như Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ…

Cùng với đó, nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng văn hóa du lịch, sản phẩm du lịch để quảng bá những giá trị văn hóa từ các di tích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và đời sống tâm linh của cộng đồng xứ Thanh, tạo điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng để đáp ứng được các dịch vụ mua sắm, ăn, nghỉ, đi lại của du khách.

Sản phẩm du lịch được xem là dòng sản phẩm cốt lõi trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Thanh Hóa những năm qua chính là du lịch biển - đảo. Theo đó, trong thời gian trở lại đây, du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành sự lựa chọn của nhiều khách du lịch khi muốn tìm kiếm một sản phẩm nghỉ dưỡng biển chất lượng.

Quảng trường biển Sầm Sơn
Quảng trường biển Sầm Sơn được đầu tư hiện đại, đồng bộ, vừa có không gian rộng để tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện ngoài trời quy mô, lại vừa là điểm đến văn hóa cho người dân

Còn đối với loại hình du lịch văn hóa- tâm linh, hiện tại, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, trong đó có nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc sắc như Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Lăng miếu Triệu Tường, Đền thờ Nguyễn Nghi.

Cùng với đó, có trên 300 lễ hội truyền thống được thường xuyên tổ chức, tiêu biểu như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Mường Xia, lễ hội Căm Mương, lễ hội Mường Khô... hệ thống các lễ hội tín ngưỡng gắn với di tích Cửa Đặt, Đền Sòng Sơn, đền Phố Cát, đền Hàn, đền Cô Bơ, đền Độc Cước... và hệ thống các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc đã tạo nên bức tranh lung linh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh. Đây được xem là nguồn tài nguyên nền tảng quý giá mà Thanh Hóa có thể phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có hướng để nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các hoại hình văn hóa dân gian độc đáo khác biệt nhằm phục vụ phát triển du lịch, định hướng du lịch văn hóa, tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh, đồng thời là nguồn lực để du lịch Thanh Hóa phát triển du lịch bốn mùa.

Và để thực hiện nhận diện thương hiệu nhằm phát triển du lịch tỉnh nhà, Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt chính sách, đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch, điển hình như đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Lễ hội du lịch biển năm 2024, được tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: “Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu”.
Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024 với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề: “Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu”.

Cùng với đó, việc kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp đã và đang được thực hiện tương đối tốt. Việc quảng bá, xúc tiến, hợp tác du lịch với các địa phương trong và ngoài nước được đẩy mạnh, nhằm thực hiện nhiệm vụ xúc tiến và truyền thông thương hiệu du lịch. Bởi thương hiệu doanh nghiệp tác động trực tiếp đến việc xây dựng và củng cố thương hiệu du lịch địa phương; do vậy, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, thì việc quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành và lưu trú du lịch cũng được tỉnh này chú trọng.

Ngoài ra, những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; thanh tra, kiểm tra; bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng môi trường du lịch (tự nhiên và xã hội) an toàn, thân thiện... cũng góp phần phát triển du lịch một cách hiệu quả, bền vững; đồng thời, nâng cao hình ảnh du lịch Thanh Hóa theo hướng văn minh, hiện đại.

Vượt chỉ tiêu lượng khách năm 2024 chỉ trong 9 tháng

Năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,387 nghìn tỷ đồng, để phấn đấu đạt được mục tiêu trên, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Cụ thể, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đăng ký tổ chức 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Trong đó, có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm 2024 sẽ góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa":

Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao”
Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023 được tổ chức tại huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Cửa Đạt, Lễ hội Am Tiên, Lễ hội Dâng trâu tế trời, Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Phủ Trịnh, Lễ hội đền Phố Cát, Lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước, Lễ tế Nghinh Xuân, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Mường Ca Da, Lễ hội Đình Thi, Lễ hội Mai An Tiêm, Lễ hội Quang Trung...

Mùa hè nổi bật với các sự kiện tại các khu, điểm du lịch biển: Liên hoan đặc sản xứ Thanh; lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; Lễ hội Tình Yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội đường phố - Carnival du lịch biển Sầm Sơn; các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế; chuỗi sự kiện Flamingo Ibiza Beach Fest...

Mùa thu - đông sẽ diễn ra các giải thể thao quốc gia và quốc tế; công bố các tour du lịch mạo hiểm (trekking tour); các lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng như: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Đeng...

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh: Với tâm thế sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch trong năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa mong muốn được quảng bá sâu rộng đến khách du lịch những điểm đến mới, những sản phẩm mới, dịch vụ mới, đặc biệt là các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh.

Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu của cả nước về thu hút khách du lịch.

Công viên nước SunWorld Sầm Sơn, điểm đến hấp dẫn mới của du lịch Xứ Thanh
Công viên nước SunWorld Sầm Sơn, điểm đến hấp dẫn mới của du lịch Xứ Thanh

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng, tổng lượt khách đến Thanh Hóa ước đạt gần 14,5 triệu lượt, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024. tổng thu du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 98,6% kế hoạch năm 2024.

Như vậy, chỉ trong 9 tháng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức vượt mục tiêu về lượng khách trong năm 2024, trong khi còn cả “mùa cao điểm” đón khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện). Các chuyên gia và doanh nghiệp lĩnh vực du lịch kỳ vọng, du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2024.

Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2030, tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam. Khu vực này sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.

Lê Nam - Hoài Thu