Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên mạng Internet đang xuất hiện một số trang web bán vé tàu hỏa với giá đắt gấp vài lần so với giá vé của ngành đường sắt. Các trang này có tên miền gần giống với website của ngành đường sắt (như vietnam-rai…com; www.vietnam-rail...net…) nên một số hành khách, đặc biệt là người nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá rất cao.
Ảnh minh họa
Thực tế, các trang này đang bán vé tàu với giá đắt “cắt cổ”. Điển hình, PV chúng tôi thử truy cập vào web ngành đường sắt tham khảo giá vé ngày 14/11 từ Sài Gòn đi Bình Thuận, giá chỉ có 117.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa. Tuy nhiên, giá mà https://vietnam-railxxx.com đang bán cho chặng trên là 23 USD/vé (gần 500.000 đồng). Cũng tại trang này, PV đặt vé ga Sài Gòn đi Đà Nẵng (giá ngành đường sắt chỉ 521.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa) nhưng trang này lại bán với giá 68 USD/vé (khoảng 1,5 triệu đồng).
Một trang khác là https://www.vietnamrailxxx.net cũng bán chặng Sài Gòn – Đà Nẵng với giá dao động từ 47 USD - 70 USD. Trong khi ngành đường sắt chỉ bán trong khung giá 315.000 đồng – 521.000 đồng/vé. Hay trang http://cheapvietnamxxx.com đang bán vé đắt đỏ kiểu “cắt cổ”. Điển hình chặng Sài Gòn – Đà Nẵng, ngành đường sắt đang bán với giá 175.000 đồng – 279.000 đồng nhưng trang này lại bán với giá 31 USD – 41 USD (650.000 đồng – 850.000 đồng/vé).
Để tránh thiệt hại cho hành khách, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo: để đặt mua vé, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác, hành khách cần truy cập vào trang website chính thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại địa chỉ http://dsvn.vn
Ngoài ra hành khách truy cập thêm các trang website dưới đây để tìm hiểu về các chính sách và quy định của ngành đường sắt: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (www.vr.com.vn); Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (www.vantaiduongsathanoi.vn; www.facebook.com/duongsathanoi).
Ngoài ra còn có website của Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn: http://saigonrailway.com.vn; www.facebook.com/duongsatsg. Cùng đó, để đảm bảo quyền lợi của hành khách đi tàu, khi có sự cố xảy ra như mất vé, trùng chỗ trên tàu, đổi trả vé…, ngành đường sắt khuyến cáo người dân khi mua vé cần có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Hành khách nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin khi cần thiết.
Để tránh việc mua nhầm vé giả, vé không hợp lệ, hành khách nên mua tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý thuộc ngành đường sắt quản lý; không nên mua vé bên ngoài qua cò mồi chợ đen, các đại lý trá hình sẽ gây thiệt hại về tài chính đồng thời không đi được tàu.
Theo đó, hiện còn khoảng 63.000 vé tàu cả 2 chiều trước và sau Tết Kỷ Hợi. Trong đó, thời gian trước Tết từ ngày 25/1/2019 đến 3/2/2019 (tức ngày 20 đến 29 tháng 12 Âm lịch), còn gần 8.000 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ ga Nha Trang đến Hà Nội.
Cụ thể, đến Nha Trang còn gần 2.200 vé, đến Quy Nhơn gần 1.200 vé, Hà Nội gần 2.000 vé. Một số điểm đến “hot” như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa chỉ còn vài trăm vé. Lượng vé còn chủ yếu là ghế ngồi lạnh và ghế phụ.
Còn đối với thời gian sau Tết, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết thêm, từ ngày 8/2/2019 đến 20/2/2019 (tức ngày 4 đến 16 tháng 1 Âm lịch), còn khoảng 55.700 chỗ chiều từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, những ngày cao điểm sát sau nghỉ Tết chủ yếu còn ghế ngồi, ghế phụ; lượng vé còn nhiều các loại chỗ tập trung vào những ngày xa cao điểm Tết.
Mặc dù hiện chỉ còn vé ghế ngồi và ghế phụ nhưng Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho hay, số chỗ còn thường xuyên biến động do hành khách đặt giữ chỗ mà không thanh toán hoặc trả lại vé… bao gồm các ngày cao điểm đi trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Vì vậy, hành khách vẫn còn cơ hội mua được tấm vé tết nếu thường xuyên truy cập website bán vé của ngành Đường sắt.
Hải Đăng