Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2, trụ sở ở khu 3, xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, được thành lập theo Quyết định số 2719/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc sáp nhập Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ và Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Phú Thọ thành Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Phú Thọ, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2: Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 triển khai nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện, đáp ứng được nguyện vọng của gia đình và bản thân người nghiện.

Xuất phát từ quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, điều trị là cả một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 đã điều trị, quản lý hàng nghìn lượt học viên; luôn đổi mới, đa dạng các hình thức cai nghiện như: Điều trị nghiện bắt buộc, điều trị nghiện tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bên cạnh đó, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 luôn đổi mới, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, coi người cai nghiện là bệnh nhân, là khách hàng để phục vụ. Thực hiện đúng hướng dẫn, quy trình điều trị: tiếp cận, đánh giá mức độ sử dụng ma túy và các vấn đề về tâm lý, xã hội và bệnh lý tâm thần của người sử dụng ma túy; xây dựng kế hoạch can thiệp, tổ chức các hoạt động tư vấn, trị liệu nhóm và các hỗ trợ về tâm lý, xã hội thích hợp.

Tổ chức tốt các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ theo phác đồ và phù hợp với nhu cầu người bệnh. Quan tâm trang bị, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị, cải thiện đời sống học viên. Tăng cường kết nối, liên doanh, liên kết với các tổ chức xã hội, các trường dạy nghề thuộc tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên nhất là sau thời gian cai thành công trở về. Vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện một cách bền vững.

Tổ chức tốt các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ theo phác đồ và phù hợp với nhu cầu người bệnh.
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 tổ chức tốt các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ theo phác đồ; phù hợp với nhu cầu người bệnh.

Để đẩy mạnh công tác cai nghiện tựa túy  nguyện, ngày 16/07/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định cụ thể:

- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy từ 6 tháng trở lên tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập của tỉnh, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Phú Thọ.

- Quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp:

Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ: Tiền ăn: 0,56 mức lương cơ sở/người/tháng; Tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân: 0,63 mức lương cơ sở/người/đợt; Hỗ trợ tiền xét nghiệm ma túy, thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần: 650.000 đồng/người/đợt; Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập được bố trí chỗ ở.

Mức do đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện đóng góp: Tiền ăn: 0,24 mức lương cơ sở/người/tháng; Tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân: 0,27 mức lương cơ sở/người/đợt; Tiền điện, nước sinh hoạt: 80.000 đồng/người/tháng; Tiền sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vật lý trị liệu cơ bản: 70.000 đồng/ tháng; 100% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS); Điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường theo chi phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong trường hợp không được bảo hiểm y tế thanh toán.

- Chế độ miễn với đối tượng chính sách: Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh được miễn 100% các khoản đóng góp đối với các đối tượng: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Đánh giá kết quả hoạt động cai nghiện tự nguyện trong năm 2020, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 đã luôn chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, cơ sở làm tốt công tác tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe, quản lý số học viên; đặc biệt là công tác tiếp nhận học viên cai nghiện ma túy tự nguyện với kết quả, hiệu quả nổi bật - đã tiếp nhận và điều trị cho 200/200 lượt học viên vào cai nghiện tự nguyện đạt 100% kế hoạch năm. Học viên đến cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở  điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 có hộ khẩu thường trú ở các huyện, thị, thành khác nhau; chủ yếu ở các huyện, thị, thành: Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Hàng tuần, hàng tháng Cơ sở thường tổ chức các hoạt động sinh hoạt học viên để nắm bắt tình hình, phản ánh và xử lý kịp thời các sự việc diễn ra, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe và ổn định tâm lý, tinh thần cho học viên, giúp học viên rèn luyện tốt trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại Cơ sở…

Thực hiện chỉ đạo chung của cấp trên, hoạt động điều trị nói chung và công tác quản lý học viên tại Cơ sở  điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ - Cơ sở 2 đã được tăng cường về mọi mặt. Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận và quản lý học viên theo chỉ tiêu được giao, đảm bảo an ninh trật tự.

Cùng với đó, nghiên cứu một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi tại cơ sở, xây dựng môi trường cai nghiện ma túy gần gũi, thân thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác cai nghiện trong tình hình mới.

Hoan Nguyễn