Những ngày qua, tình trạng hết xăng, hay nghỉ bán hàng đã làm “nóng” thị trường xăng dầu. Các địa phương được Bộ Công Thương nêu tên gồm Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh và Ninh Bình. Nguyên nhân được các doanh nghiệp phản ánh là do lùi kỳ điều hành về ngày 01/02, thay vì ngày 21/01 theo quy định vì trùng dịp lễ Tết.
Việc lùi kỳ điều hành, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng, biến động theo ngày, khiến cho giá nhập hàng của các doanh nghiệp khi về đến kho đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành. Điều này dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị giảm, hoặc cắt chiết khấu (chiết khấu 0 đồng), thậm chí âm nặng khi doanh nghiệp bán lẻ phải gánh một loạt các chi phí như chi phí vận chuyển, chi tiền lương, bảo hiểm...
Tức là, kịch bản “càng bán càng lỗ” lại tái diễn. Trong khi, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có quyền dừng bán hàng và họ cũng không chủ động được nguồn hàng khi chỉ được nhập hàng từ một thương nhân phân phối hoặc đầu mối duy nhất.
Chính vì “càng bán càng lỗ” nên xảy ra tình trạng một số cây xăng trên địa bàn có biểu hiện găm hàng, nghỉ bán sai quy định...
Ngày 31/01, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết các Cục QLTT trên cả nước đã tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng trên địa bàn có biểu hiện găm hàng, nghỉ bán sai quy định... trong bối cảnh tình hình xăng dầu trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Kết quả, trong thời gian từ ngày 25/01 đến 30/01, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử lý 03 cơ sở vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền 45 triệu đồng.
Riêng trong ngày 30/01, các đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã tiến hành xử phạt tổng số tiền 30 triệu đồng đối với 02 cơ sở vi phạm.
Cụ thể, cơ quan quản lý xác định cửa hàng xăng dầu Tân Thịnh 1 thuộc Công ty CP đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh ngừng bán hàng trong khoảng thời gian 12-13 giờ; cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Phúc Lâm Châu giới hạn số lượng xăng, dầu bán cho khách hàng 30.000 đồng/lượt xe máy và 300.000 đồng/lượt ôtô trong khi tại bể chứa xăng RON 95 còn tồn 10.782 lít, dầu diesel tồn 7.823 lít.
Tại Ninh Bình, lực lượng QLTT cũng đã tiến hành xử phạt 15 triệu đồng đối với 02 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gồm cửa hàng xăng dầu Gia Lập thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Long (huyện Gia Viễn) và cửa hàng xăng dầu số 2 Bảo Sơn thuộc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kim Thành do ngừng bán mà không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 30/01, đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu 1-5 Vĩnh Phúc thuộc Công ty CP vật tư thương mại Vĩnh Phúc (TP. Vĩnh Yên). Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng ngừng bán khi không có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương.
Tại Hải Phòng, đội QLTT số 8 - Cục QLTT TP Hải Phòng cũng đã kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH Phú Khánh 15 triệu đồng về hành vi ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngày 30/01, Cục QLTT Hà Nội cũng đã lập 03 tổ công tác tăng cường chỉ đạo các Đội QLTT kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cơ quan chức năng phát hiện một số cửa hàng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về.
Thời gian gần đây, tình hình thị trường xăng dầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, các cây xăng ở một số tỉnh thành xuất hiện tình trạng hết xăng dầu cục bộ.
Trước đó, ngày 20/01 (tức 29 Tết), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Tổng cục QLTT, Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện trực 100% quân số, tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình.
Thiên Trường (T/h)