Công trình nghìn tỷ bỏ hoang
Gần đây, một ĐBQH đã làm phép so sánh, nếu đem số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh và vụ Trịnh Xuân Thanh, sử dụng vào mục đích công ích, chúng ta có thể miễn thuế đất nông nghiệp cho toàn bộ nông dân, lần lượt trong khoảng 300 năm và 100 năm.
Điểm qua một vài công trình gây lãng phí, thất thoát tiền nhà nước đến hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian qua như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nhà Thi đấu Hà Nam, Bảo tàng Hà Nội, NM Cán thép tấm nóng Cái Lân (Quảng Ninh)…
Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng trên diện tích 1.544 ha. Tuy nhiên, nơi đây lại đang trở thành một ngôi làng hoang vắng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Hoang vắng vì không có khách, xuống cấp vì không được tu sửa nhưng hiện nay, lại có một số công trình, hạng mục khác vẫn tiếp tục được xây dựng. Liệu rằng, những công trình này xây dựng lên có hiệu quả?
Cách trung tâm TP. Phủ Lý 2 km, giữa đường cao tốc và QL1A cũ, Nhà Thi đấu Hà Nam được quy hoạch xây dựng trên diện tích 120 ha. Đây là công trình lớn nhất trong số các công trình được xây mới để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nằm trơ trọi giữa đồng không, nhà Thi đấu Hà Nam có sức chứa 7.500 chỗ ngồi, được đầu tư kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng - do Trung ương và tỉnh Hà Nam cùng đóng góp.
Tuy nhiên, bên trong nhà thi đấu, đất đá, vật liệu vẫn còn đổ bừa bãi. Nhiều người, khi đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đều cảm thấy xót xa khi một công trình đồ sộ, hoành tráng nằm giữa đồng không mông quạnh lại sử dụng không hiệu quả…
Có thể thấy, việc nhiều dự án tiền tỷ bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân chưa được đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng, thậm chí còn bị mất ruộng đất từ các công trình này, khiến họ bức xúc.
Các chuyên gia cảnh báo
Tại phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa diễn ra, đại diện Bộ KH&ĐT công bố con số “giật mình”: 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả.
Nhà Thi đấu tỉnh Hà Nam gây thất thoát, lãng phí lớn
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo, vấn đề kỷ luật ngân sách, không nghiêm ngay từ khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện và chế độ giám sát trong suốt quá trình thực hiện - là những nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công như hiện nay.
TS. Vũ Đình Ánh (Học viện Tài chính): “Đây không chỉ là thất thoát về kinh tế, tài chính, mà còn cả vấn đề sử dụng nguồn lực, lãng phí cơ hội. Do đó, để chống lãng phí trong đầu tư công, việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là quyết định chủ trương đầu tư với mỗi dự án; trong vấn đề triển khai dự án và trong việc sử dụng khai thác”.
PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT): Tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ủy viên Thường trực Ủy ban VH-GD Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ: Để thất thoát nguồn vốn đầu tư, đến nay chưa xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào. Vì không rõ trách nhiệm nên việc kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phân bổ xong là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào lại không rõ ràng, không đi đến cùng. Đây cũng là nguyên nhân của 72 dự án (42.000 tỷ) đầu tư không hiệu quả.
TS. Vũ Đình Ánh: Đối với các dự án thua lỗ, lãng phí, không hiệu quả, cần xử lý trách nhiệm của người lập dự án, người ký quyết định đầu tư và cơ quan giám sát…
Ngọc Linh