Nhiều giải pháp hỗ trợ tăng sức hấp thụ vốn tín dụng
Sức hấp thụ vốn tín dụng còn yếu
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, đến cuối năm 2023, huy động vốn đạt 50.986 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 36.103 tỷ đồng, tăng 8,67%; tiền gửi thanh toán đạt 7.155 tỷ đồng, tăng 32,34%.
Bên cạnh, dư nợ đạt 46.873 tỷ đồng, tăng 4.833 tỷ đồng (+11,49%) so với năm 2022, tập trung tăng vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhu cầu tiêu dùng hợp lý... Nợ xấu nằm trong mức cho phép (2,86%).
Cạnh đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thực hiện cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng... hiện mặt bằng lãi suất huy động vốn giảm bình quần hơn 2,5%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn 2%.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ được tăng cường; an sinh xã hội được quan tâm.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Oanh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đạt thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,37%), thấp hơn kế hoạch định hướng đề ra (14 - 15%).
Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp (đạt 2,61%), tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng, thu nhập của người lao động giảm nên nhu cầu vay vốn không cao; một số khách hàng không đủ điều kiện vay do tình hình tài chính kém lành mạnh, trong khi một số doanh nghiệp có dư nợ lớn, trả nợ đến hạn và trước hạn nhưng chưa có nhu cầu vay lại...
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 31 ngày 20/5/2022 của Chính phủ còn hạn chế, do đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất trong tỉnh phát sinh không nhiều, đa số hộ gia đình sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện cho vay, trong khi khách hàng đủ điều kiện thì từ chối hỗ trợ do tâm lý e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra...
Song, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của nền kinh tế trong nước và thế giới thì con số tăng trưởng tín dụng 11,49% vẫn là mức tăng trưởng đáng ghi nhận, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2024, ngành ngân hàng Vĩnh Long đặt mục tiêu định hướng đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn huy động 9 - 10% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay tăng 14 - 15% so với cuối năm 2023; kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ vào cuối năm 2024; tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đem lại tiện ích, an toàn và sự trải nghiệm cho khách hàng.
Năm 2024, ngành ngân hàng tỉnh phấn đấu dư nợ cho vay tăng 14 - 15% nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Ảnh: TRẦN PHƯỚC)
Ông Lý Nhật Trường - Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, ngoại hối; thực hiện tốt định hướng về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát chất lượng nợ.
Đặc biệt cần tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và địa phương; tiết giảm chi phí đầu ra để giảm lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đó, các chi nhánh tổ chức tín dụng ngân hàng triển khai:
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, nội dung được hội sở giao; điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;
Tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với đảm bảo an toàn, lành mạnh, hạn chế “tín dụng đen”; quyết liệt triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn kho quỹ, công tác thu gôm, phân loại tiền;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của ngành và thực hiện tốt các phong trào thi đua đã phát động năm 2024.
Đánh giá cao những đóng góp của ngành ngân hàng tỉnh đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Chính, yêu cầu ngành:
Tiếp tục bám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra; thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá, ngoại hối; quản lý tốt hoạt động lưu thông tiền tệ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng;
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng ngừa nợ xấu phát sinh; phối hợp tuyên truyền, phòng chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào ngành ngân hàng.
H. Thủy(Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te)