Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo
Đó là một trong số các nội dung được đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cung cấp tại Hội thảo tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methanol được tổ chức ngày 10/4.
Sản xuất, kinh doanh rượu đã hình thành một ngành công nghiệp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế thì việc lạm dụng rượu, bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đã vầ đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như ngộ độc rượu, trật tự xã hội, tai nạn giao thông…
Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và có xu hướng gia tăng. Ngộ độc rượu những năm gần đây ghi nhận 1-7 vụ/năm (chiếm khoảng 1,5-2,1% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm/năm).
Số người mắc chỉ chiếm khoảng 0,5-1% tổng số người mắc nhưng số người chết chiếm 6,8-7,7% tổng số người tử vong do ngộ độc. Trong đó, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc là rượu trắng cao nhất, chiếm 42,9%; rượu ngâm thuốc là 36%; rượu ngâm củ ấu là 16%; rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%...
Rượu trắng có nhiều loại, phân chia theo nguồn gốc từ sản phẩm lên men rượu từ tinh bột (gạo, ngô, sắn…), được ủ và chưng cất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp hoặc rượu được pha chế từ cồn thực phẩm. Việc làm dụng rượu về số lượng, chủng loại, đặc biệt trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm và đặc biệt là hành vi gian dối, vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu đã và đang gây ảnh hưởng tới tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng thông tư, nghị định, luật kiểm soát đã có nhưng thật cụ thể, chặt chẽ thì chưa rõ ràng. Việc quy trách nhiệm để xảy ra các vụ ngộ độc rượu làm nhiều người tử vong hiện vẫn rất khó.
“Hàng năm, có quá nhiều cơ sở, DN, cá nhân sản xuất rượu với hàng trăm triệu lít, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Cấm hoàn toàn uống rượu thì không có tính khả thi.
Bây giờ, nói Bộ Y tế chịu trách nhiệm hay NN&PTNT hay Bộ Công thương, Bộ Công an? Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đồng thời, cần sớm ban hành luật chống lạm dụng sử dụng rượu bia”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, ngộ độc do rượu, ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao vẫn xảy ra với số ca mắc ngày càng tăng. Ngộ độc rượu do lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật độc, do gian lận nguyên liệu pha chế rượu, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo TS. Long, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc rượu gặp nhiều khó khăn do thị trường sản xuất, kinh doanh rượu đa dạng, phức tạp, khó quản lý; rượu sản xuất hàng triệu lít/năm, hàng nghìn, hàng vạn cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các quy mô khác nhau, chủ yếu là hộ gia đình, làng nghề (75%).
Bên cạnh đó, hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn rượu còn hạn chế. Trong đó, Bộ Công thương được phân công quản lý sản xuất, kinh doanh rượu (Luật An toàn thực phẩm); Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND các địa phương quản lý ngộ độc thực phẩm, tác hại về sức khỏe, lạm dụng rượu…
Công tác kiểm soát an toàn đối với nguyên liệu không đảm bảo an toàn chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn nguồn cung cấp, kinh doanh nguyên liệu không bảo đảm an toàn để sản xuất rượu. Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chưa có trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đề xuất một số giải pháp, đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh tới việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như: quy định quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở nấu rượu thủ công theo quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP; Thông tư 60/2014/TT-BCT; các quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại sản phẩm rượu; chế tài xử lý vi phạm.
Cơ quan chức năng tại địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát thường xuyên, phát hiến sớm và xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng…
Trần Nguyên