Ảnh minh họa
Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất ở các kỳ hạn dưới 12 tháng tại 16 ngân hàng hiện dao động phổ biến trong khoảng 4,6 - 7,2%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 36 tháng lại đang dao động phổ biến trong khoảng 6,0 - 7,7%/năm.
Đáng chú ý, tại 7 ngân hàng thương mại như Bắc Á, Bảo Việt, Đông Á, Nam Á, NCB, Oceanbank và SCB, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều đang được áp dụng ở mức lãi suất trên 7%/năm và phổ biến trong khoảng 7,1 - 7,7%/năm.
Nếu so với lãi suất huy động các kỳ hạn tương tự ở phần lớn các ngân hàng thương mại còn lại trên thị trường, lãi suất huy động tại 7 ngân hàng thương mại nói trên có mức chênh trên dưới 1%.
Việc nhiều ngân hàng tiếp tục neo giữ lãi suất huy động các kỳ hạn dài ở mức cao so với các kỳ hạn ngắn hơn có thể cho thấy nhu cầu rất lớn đối với nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng nhằm đáp ứng các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các ngân hàng phải thường xuyên duy trì, từ tháng 10/2020, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại các ngân hàng sẽ được điều chỉnh giảm từ mức 40% hiện nay xuống chỉ còn 37%.
Theo đó, việc các ngân hàng duy trì mức lãi suất cao với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên được cho là động thái cần thiết nhằm tăng cường lượng tiền gửi dài hạn vào ngân hàng, qua đó đảm bảo đủ vốn trung - dài hạn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tâm An