Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tiếp cận với nguồn vốn vay với chi phí hợp lý
Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lần thứ 3 giảm lãi suất gói vay cá nhân xuống còn từ 6,8%/năm từ thời điểm giữa tháng 6 cho khách hàng khi tham gia gói “Vay ưu đãi - Lãi an tâm”.
Trước đó, mức lãi suất ưu đãi của chương trình đã hạ từ 9,7%/năm xuống còn 8,5%/năm và 7,6%/năm. Ở gói “Vay kinh doanh - Phát tài nhanh” kéo dài đến hết 31/12 dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh, ABBank áp dụng mức lãi suất mới giảm từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay từ 1/7. Kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5-3,0%/năm.
BIDV cũng công bố gói tín dụng hỗ trợ khách hàng với quy mô lên tới 93 nghìn tỷ đồng và đã giải ngân trên 70 nghìn tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2,0%/năm so với lãi suất trước thời điểm dịch.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay từ ngày 30/6 nhằm hỗ trợ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định tại Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sẽ có lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. Đây cũng là lần thứ 3 Agribank thực hiện giảm lãi suất.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Vietcombank công bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay giai đoạn 3. Cụ thể, nhà băng này giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống tại thời điểm trước khi triển khai biện pháp hỗ trợ giai đoạn 3. Thời gian áp dụng mức giảm lãi suất từ ngày 15/5 đến hết ngày 31/7.
HDBank tung thêm gói 10 nghìn tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Nam A Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng thấp khiến thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động tại các ngân hàng giảm.
Đầu tháng 7 này, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng lớn giảm từ 0,2-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi giảm mạnh là do hệ thống ngân hàng đang "thừa tiền".
Bên cạnh đó, lãi suất huy động còn chịu sức ép giảm sau 2 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; trong đó, mức trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng được giảm 0,6-0,75%/năm; giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhiều người nhận định mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sẽ thúc đẩy các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Linh Tuệ