“Ông trùm” cung cấp thiết bị
Nhiều nhà thầu cho biết, việc trúng thầu của Công ty CP công nghệ điện tử ứng (Application and Development electronics Technology Jsc), viết tắt là Công ty ADT tại EVN Hà Nội xuất hiện nhiều bất thường, cần có sự kiểm tra của cơ quan hữu trách.
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc một nhà thầu dồn dập trúng nhiều, trúng lớn, trúng sát giá tại một chủ đầu tư liệu có đảm bảo tính cạnh tranh? Qua đó, việc thất thoát vốn đầu tư luôn nằm trong vòng nghi vấn?.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty ADT có trụ sở tại số 2/11, Vương Thừa Vũ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Ngô Đình Luyện. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 25/02/2000, lần 2 vào ngày 26/05/2012. Lĩnh vực hoạt động: Bán buôn máy móc, thiết bị điện, vật liệu điện, động cơ điện, dây điện; bán buôn thiết bị và dụng cụ đo lường; mua bán thiết bị an toàn…Tuy nhiên, tìm đến địa chỉ này lại là cơ sở đang sửa chữa và Công ty ADT hiện đang không hoạt động tại đây. Liên hệ đến số máy của Công ty ADT cũng liên tục trong tình trạng báo bận, không ai nhấc máy.
Qua trở lại từ nguồn tài liệu thu thập cho thấy, từ tháng 8/2016 đến tháng 6/2019, Công ty ADT trúng ít nhất 23 gói thầu tại EVN Hà Nội và các đơn vị trực thuộc (gồm cả những gói thầu liên danh).
Trong số 23 gói thầu trên, Công ty ADT trúng tại EVN Hà Nội 11 gói. Tại Công ty lưới điện cao thế Hà Nội: 5 gói. Tại Công ty thí nghiệm điện lực Hà Nội: 4 gói. Các thành viên khác là Điện lực Sóc Sơn, Điện lực Ba Đình và Ban quản lý dự án lưới điện Hà Nội, mỗi đơn vị nhà thầu ADT trúng 1 gói.
Điểm nhấn của Công ty ADT khi trúng tại EVN Hà Nội và các đơn vị trực thuộc là “bách chiến bách thắng” các hình thức lạ chọn nhà thầu từ mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh đến đấu thầu rộng rãi…
Tìm hiểu của PV cho thấy, độ “phổ quát” của Công ty ADT khi tham gia đấu thầu tại EVN Hà Nội là rất đa dạng khi nhà thầu không chỉ trúng ở những gói thầu nặng đô, mà tại các gói thầu giá trị nhỏ khoảng vài trăm triệu cũng “rơi” vào tay DN này.
Với tư cách nhà thầu độc lập, gói thầu có giá trị lớn mà Công ty ADT trúng lên đến gần 60 tỷ đồng.
Cụ thể, bằng quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1166/QĐ-EVNHN HGC, Công ty lưới điện cao thế Hà Nội lựa chọn nhà thầu ADT trúng ở gói: Mua bình tụ bù trung thế thay thế bình tụ trung thế bị hư hỏng thuộc giàn tụ 22kV T401 E1.9-Nghĩa Đô, T42 E1.14-Giám. Gói thầu này có giá 64.647.000 đồng. Giá trúng là 58.770.000 đồng.
Trong vai trò nhà thầu liên danh, gói thầu giá trị lớn nhất mà Công ty ADT trúng lên đến gần 40 tỷ đồng.
Theo đó, gói thầu số 04: Cung cấp vật tư thiết bị thuộc dự án Xây dựng mới trạm 110kV nối cấp 220kV Long Biên có giá 38.825.656.556 đồng. Liên danh Công ty cổ phần thương mại và kỹ thuật năng lượng Việt Nam – Công ty cổ phần YOTEK – Công ty cổ phần công nghệ điện tử ứng dụng (Liên danh VENGY – YOTEK – ADT) là 38.202.540.000 đồng. Quyết định phê duyệt: Số 3974/QĐ-EVN HANOI ngày 28/09/2016.
Trên đà thừa thắng, Công ty ADT tiếp tục đổ như “cơn bão” đến cả những gói thầu khá nhỏ. Ví như gói: Sửa chữa thường xuyên thiết bị kiểm định năm 2018.
Gói thầu này do Công ty Thí nghiệm điện Điện lực Hà Nội là chủ đầu tư với mức giá 149.930.000 đồng. Công ty ADT bỏ giá 145.805.000 đồng. Quyết định phê duyệt: Số 456/QĐ- EVN HANOI ETC ngày 17/10/2018.
“Lộ” bất thường trong tiết kiệm nguồn vốn
Từ lâu, tình trạng trúng thầu liên tục, trúng sát giá tại một chủ đầu tư là “đường dẫn” để cơ quan hữu trách đưa vào “tầm ngắm”. Thực tế cho thấy, có không ít vụ việc bê bối trong đấu thầu bị khui ra ánh và xử lý nghiêm từ việc trúng sát giá liên tục tại một chủ đầu tư.
Từ phản ánh của bạn đọc, PV kiểm chứng nhiều thông tin và nhận thấy, phản ánh của bạn đọc là có cơ sở khi Công ty ADT trúng không ít gói thầu khủng nhưng chỉ có mức tiết kiệm “lấy lệ” tại EVN Hà Nội và các đơn vị trực thuộc.
Dư luận nghi ngại việc thất thoát nguồn vốn tại EVN Hà Nội khi xuất hiện nhà thầu trúng dày đặc, trúng sát giá (Ảnh minh họa)
Theo đó, gói thầu ADB-HNPC-PHUNG-G02 Trạm biến áp 110kV Phùng Cung cấp vật tư thiết bị trạm, thuộc dự án Trạm biến áp 110kV thị trấn Phùng có giá 27.946.921.635 đồng. Giá trúng của Công ty ADT chỉ là 27.903.926.600 đồng. Đây là gói thầu liên danh giữa Công ty ADT và Công ty CP tập đoàn TOJI. EVN Hà Nội là chủ đầu tư gói thầu này.
Tương tự, bằng quyết định phê duyệt: số 6364/QĐ-EVN HANOI ngày 19/9/2018, EVN Hà Nội lựa chọn Công ty ADT trúng thầu ở gói 03: Cung cấp máy biến áp 110kV, vật tư thiết bị trạm, thuộc dự án Lắp bổ sung MBA T2 trạm 110kV Phú Nghĩa.
Gói thầu này có giá 15.900.591.709 đồng. Giá trúng của liên danh Công ty CP Công nghệ điện tử ứng dụng và Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả là 15.748.997.000 đồng.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Công ty ADT lại liên tiếp trung thầu sát giá tại những gói thầu nặng đô. Có những gói thầu gần 40 tỷ đồng, nhưng số dư không cho thấy tính khả quan của tỷ lệ tiết kiệm.
Ví như gói 04: Cung cấp vật tư thiết bị, thuộc dự án Xây dựng mới trạm 110kV nối cấp 220kV Long Biên. Gói thầu này có giá 38.825.656.556 đồng. Giá trúng của liên danh Công ty cổ phần thương mại và kỹ thuật năng lượng Việt Nam – Công ty cổ phần YOTEK – Công ty cổ phần công nghệ điện tử ứng dụng chỉ là 38.202.540.000 đồng. Quyết định phê duyệt: Số 3974/QĐ-EVN HANOI ngày 28/09/2016.
Tìm hiểu của PV cho thấy, những bất thường của Công ty ADT khi tham gia đấu thầu tại EVN Hà Nội còn diễn ra ở không ít các gói thầu trúng bằng giá. Các gói thầu này đều có hình thức lựa chọn nhà thầu là: mua sắm trực tiếp. Tuy nhiên, việc trúng thầu bằng giá để không ít băn khoăn với dư luận.
Với bất thường như đề cập, dư luận mong muốn các ngành chức năng sớm có cuộc kiểm tra hoạt động đấu thầu của Công ty ADT, nếu xảy ra tiêu thì cần phải xử lý nghiêm.
Trúc Mai