Tràn lan sự bất an trên “chợ mạng”
Kinh doanh thực phẩm online càng trở nên phổ biến hơn khi cả thế giới đang phải đối mặt với sự phức tạp của đại dịch COVID-19. Danh sách cửa hàng cung cấp từ thực phẩm tươi sống đến đồ đã sơ chế, thực phẩm chín ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Người tiêu dùng dù tỏ ý e dè trước chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng lại khá dễ dãi khi chọn lựa thực phẩm trên "chợ mạng". Đa phần lựa chọn các shop thực phẩm online theo cảm tính.
Nhập cụm từ "thực phẩm online" trên trang Google, chỉ trong 0,42 giây đã cho 157 triệu kết quả là các website, mạng xã hội (MXH) rao bán thực phẩm trực tuyến. Còn nếu tỷ mỉ hơn, gõ "thực phẩm sạch' cũng có tới 94 triệu kết quả trong vòng 72 giây. "Rảo" một vòng "chợ" thực phẩm online, dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào: từ chưa chế biến đến chế biến sẵn, giá từ bình dân đến cao cấp, các món đặc sản ở mọi miền đất nước... Và tất nhiên, điểm bán nào cũng giới thiệu hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon, kèm lời bảo đảm chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Rất nhiều các mẹ "bỉm sữa" đã và đang là thành viên của các hội như "Sống sạch", "Chợ nông sản thực phẩm sạch Hà Nội", hay "Chợ đồ ăn online siêu rẻ"…
Tuy nhiên, thực tế ai cũng nhận thấy phần lớn thực phẩm rao bán không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng tận nơi. Thỉnh thoảng những trang này cũng nhận một số ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.
Còn nhớ, có thời điểm chè sầu Liên ở Đà Nẵng nổi cộm trên mạng xã hội như một cơn sốt, bởi vậy mà nhiều người ở nơi khác như Hà Nội cũng muốn thử bằng được cốc chè sầu này. Kể từ đó, những túi chè từ một thương hiệu Đà Nẵng từng được ship đi muôn nơi, nhưng cũng không ít người mua phản ánh về việc mua phải... hàng nhái. Túi chè cũng ghi ngoài bao bì là "chè sầu Liên" nhưng bên trong thì chất lượng lại không ngon bằng, để ý kỹ hoá ra mới biết tuy viết thông tin giống nhưng thiết kế lại khang khác. Khách hàng phản ánh lại với người bán hàng online thì đơn giản nhận được sự im lặng.
Đồ ăn ngon thì ai cũng muốn thử nhưng nhiều khi có những món ăn ngon nhưng lại ở nơi quá xa. Thay vì đi đến tận nơi để ăn thì nhiều người lựa chọn việc mua từ các hội bán hàng online. Kết quả là đồ ăn lại vận chuyển từ nơi xa nên chất lượng thì không còn đảm bảo, chưa kể giá cả lại đội lên vài lần.
Rõ ràng là với những món đồ tươi hay đồ ăn đã chế biến thì việc ăn ngay tại chỗ hoặc ăn đúng nơi sản xuất thì mới là ngon nhất. Việc người bán hàng online bất chấp bán, người mua cũng bất chấp mua, thì những chuyện dở khóc dở cười chẳng thể tránh khỏi.
Chưa kể những bài "bóc phốt" mọc lên, phần nào khiến nhiều người hiểu lầm rằng món ăn đó không ngon, điều này chẳng phải vô tình ảnh hưởng đến ẩm thực địa phương hay vùng miền đó?.
Vậy nên, hãy là người thông thái khi mua những đồ ăn online kiểu như này. Hoặc nếu có thời gian, sẽ tuyệt nhất là khi đến những vùng đất mới và trải nghiệm thực tế ẩm thực địa phương tại nơi đấy. Một công đôi việc quá hợp lý đúng không?
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
Có thể thấy hiện nay, nhiều trang mạng xã hội cá nhân đang bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Chất lượng thực phẩm được đảm bảo chỉ bằng "niềm tin" giữa người mua và người bán.
Theo quy định, các cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố thành phần đối với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều loại bán online, đặc biệt là thực phẩm handmade hầu hết không đáp ứng được tiêu chuẩn trên (trừ những nhãn hàng của doanh nghiệp, tổ chức có uy tín, có tên tuổi).
Người tiêu dùng vì thế được khuyến cáo khi mua thực phẩm chế biến sẵn, dù là sản xuất bằng máy móc hay thủ công vẫn phải chọn những mặt hàng đảm bảo mọi quy định: có nguồn gốc xuất xứ, nhãn sử dụng được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, thời hạn sử dụng...để đảm bảo tốt nhất sự an toàn về sức khỏe.
Người mua cũng nên lựa chọn những nơi bán hàng có uy tín, có đăng ký kinh doanh và có cam kết về chất lượng. Trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền kiến nghị, báo cáo với các phòng kinh tế thuộc các quận, Sở Công Thương xem xét giải quyết.
Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) cho biết: An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian qua, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức TMĐT với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường TMĐT, trong đó có mặt hàng thực phẩm.
Để quản lý an toàn thực phẩm trong TMĐT thời gian tới, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số ủng hộ việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472 ngày 24/6/2024 của Bộ Y tế đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng
Để thực hiện hiệu quả việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên "chợ mạng", Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiến nghị lên các cấp cao hơn hoàn thiện hành lang pháp lý để có biện pháp quản lý hiệu quả; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc buôn bán các mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội.
Hà Trần