Báo cáo đánh giá triển vọng ngành bất động sản nhà ở vừa được phát hành của VNDirect, cả Hà Nội và TP.HCM đều vừa trải qua cơn sốt nhà đất. 

Theo đó, giá đất trên thị trường thứ cấp tăng mạnh, đặc biệt là đất đô thị tại các quận, huyện ven đô. Tại Hà Nội, có những khu vực ghi nhận giá tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm như giá nhà đất tại Đông Anh tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước, con số này ở Thanh Trì tăng 25,6%. Còn tại TP.HCM, giá nhà đất tại Củ Chi ghi nhận mức tăng 27,7%, Hóc Môn đạt 21,1%.

Giá đất trong những khu vực này tăng mạnh chủ yếu do bị tác động từ các các chính sách như công bố dự thảo quy hoạch sông Hồng và đề xuất đưa 5 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ lên quận, song song với đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn.

Trao đổi với chúng tôi về thị trường BĐS cuối năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh – P.TGĐ Property Guru Việt Nam đánh giá thị trường bất động sản cuối năm đang chờ thời cơ bứt phá mạnh mẽ sau đợi sốt ảo khá lộn xộn của giai đoạn đầu năm 2021.

"Mối quan hệ giữa chứng khoán và bất động sản như hai chiếc bình thông nhau. Chứng khoán đã tăng rất mạnh từ đầu năm và đã đến mức có thể gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường đang đứng ở ngưỡng cửa các nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán để đổ tiền vào bất động sản", ông Quốc Anh cho biết thêm.

Theo đại diện Property Guru Việt Nam, ngoài chứng khoán, dòng tiền rẻ từ lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua cũng đang đẩy nhu cầu mua lẫn đầu tư bất động sản tăng mạnh. Số liệu thống kê của batdongsan.com cho thấy người mua đang chuyển từ đất nền các tỉnh lẻ sang căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề khu đô thị và phân khúc nhà riêng tại các thành phố lớn.

Nhiều xung lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản cuối năm 2021
Nhiều xung lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản cuối năm 2021.

Thực tế cho thấy, hiện nay làn sóng nhà đầu tư săn tìm các bất động sản giá trị ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải sản phẩm BĐS nào cũng được nhà đầu tư hướng đến. Nhà đất ven đô, phân khúc bất động sản thấp tầng thương mại tại các khu đô thị lớn đang trở thành "hàng hot" trên thị trường.

Tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, nguồn cung thấp tầng cũng sẽ tiếp tục khan hiếm, các sản phẩm thấp tầng phải đến năm 2022 mới ra hàng do hiện nay nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục giấy tờ.

Đối với Hà Nội, nguồn cung mới thấp tầng Hà Nội hầu như không có dự án mới được mở bán trong 6 tháng đầu năm 2021, nguồn cung trên thị trường đến từ một số dự án hiếm hoi ra mắt từ cuối năm 2020, tuy nhiên lượng hàng này cũng đang dần khan hiếm trên thị trường.  Điển hình như dự án Shophouse Him Lam Vạn Phúc do Him Lam Land triển khai, dù mới mở bán từ cuối năm 2020 nhưng gần 90% số lượng nhà phố thương mại tại đây đã được thanh khoản hết. Thậm chí, trên thị trường thứ cấp ghi nhận mức chênh chuyển nhượng lên đến nửa tỷ đồng đối với những căn đẹp.

Theo quan sát, tình trạng khan hiếm nguồn cung dự án thấp tầng tại Hà Nội phải đến năm 2022 mới có thể giảm khi một số khu đô thị tại các khu vực xa trung tâm như Đông Anh, Đan Phượng (Hà Nội), Hưng Yên…. ra mắt.

Quan sát trên thị trường có thể thấy, trong thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới bất động sản vẫn là kênh đầu tư tiềm năng nhất. Khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn, trong khi chứng khoán, vàng lên xuống bấp bênh, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh thì bất động sản được xem là kênh giữ tiền hiệu quả khi nền kinh tế bất ổn.

Trúc Mai