Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày nêu rõ, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 là cấp thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, bộ luật có những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015... đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân nên việc triển khai thi hành còn lúng túng; thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân chưa phù hợp... "Từ những căn cứ trên cho thấy, việc ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao việc Bộ Công an đã đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã hiện nay.
Dự luật quy định: Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trong cơ quan thẩm tra có 3 loại ý kiến khác nhau.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng: Việc quy định như dư thảo Luật là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng, thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh, bảo đảm tổng số tướng của lực lượng Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền. Ý kiến này đề nghị xem xét sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.
Loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng công an nhân dân với Quân đội nhân dân ở địa phương. Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I như Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự; đồng thời, băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.
"Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật Công an nhân dân năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian. Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Yên Châu