Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hành trình xây dựng thương hiệu GP Bank

Thương hiệu GPBank nổi tiếng với các loại hình dịch vụ tài chính – ngân hàng tầm cỡ quốc tế như: Tiết kiệm - tiền gửi, tín dụng bảo lãnh, thanh toá quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ chuyển tiền… dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm tối đa lợi ích của khách hàng. Thế nhưng, người tiêu dùng, khách hàng, cũng không khỏi nghi ngại về việc nhiều năm qua, trên thị trường GPBank không có bất kỳ thông tin nào về kết quả kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức, tài chính…

Cái tên “ngân hàng 0 đồng” xuất phát từ năm 2015, khi 03 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần.

Đây là sự việc chưa có tiền lệ nhưng đã có hàng lang pháp lý, như Điều 149, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Quyết định số 255/2012/QĐ-TTg, Quyết định 254/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước đã có tính toán đến kịch bản xấu này, khi ngân hàng yếu kém đến mức không thể tự tái cơ cấu, không thể sáp nhập vào ngân hàng mạnh (như trường hợp sáp nhập Habubank vào SHB), cũng không thể sáp nhập các ngân hàng yếu kém với nhau, bởi gánh nặng nợ xấu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu không những âm hàng nghìn tỷ mà còn có thể tiếp tục thua lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Từ việc NHNH Việt Nam đã quyết định đặt GP Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

Trong số 03 “ngân hàng 0 đồng”, có 02 ngân hàng đã vào danh sách “ngân hàng yếu kém” buộc phải tái cơ cấu từ tháng 10/2011. Đó là GP Bank và Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) - sau được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Cả 02 ngân hàng này đều tự tái cơ cấu, không sử dụng nguồn lực ngân sách mà sử dụng nguồn lực tư nhân và đều không thành công, thậm chí còn để lại nhiều hệ lụy hơn, tiêu biểu là GP Bank…

Trở lại quá trình xây dựng thương hiệu của GP Bank, năm 2012, qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước (NHNH) Việt Nam đã phát hiện Ngân hàng TMCP Dầu khi toàn cầu (GP Bank) bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.

Thông cáo báo chí về việc tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu có nêu: “Trong hơn 03 năm qua, NHNN Việt Nam đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP Bank tìm kiếm đối tác, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình NHNN Việt Nam xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên GP Bank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi Ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ. Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân, NHNH Việt Nam đã quyết định đặt GP Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ”.

Thông cáo báo chí về việc tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu
Thông cáo báo chí về việc tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu.

Căn cứ quy định của Luật các TCTD và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1304/QĐ-NHNN ngày 07/07/2015 mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại GP Bank với giá 0 đồng/cổ phần và chuyển đổi GP Bank thành NHTM TNHH MTV Dầu khí toàn cầu. NHNN Việt Nam trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GP Bank; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP Bank.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, NHNN Việt Nam đã chỉ định Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành NHTM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu.

Trước đó, GP Bank từng là một ngân hàng nổi tiếng với các loại hình dịch vụ tài chính – ngân hàng tầm cỡ quốc tế như: Tiết kiệm - tiền gửi, tín dụng bảo lãnh, thanh toá quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ chuyển tiền… dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm tối đa lợi ích của khách hàng. GP Bank được thành lập từ năm 1993 với tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

Năm 2005, GP Bank có vốn điều lệ là 135 tỷ đồng. Đến năm 2007, cùng với làn sóng chuyển đổi lên ngân hàng thành thị, ngân hàng được đổi tên thành GP Bank với tốc độ tăng vốn điều lệ chóng mặt với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2009, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và năm 2010 tăng lên hơn 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, thông tin về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, tổng tài sản, cổ tức của ngân hàng này đã không thể tìm thấy.

Đến nợ xấu, âm vốn…

Từ khi NHNN Việt Nam trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần và chuyển đổi GP Bank thành NHTM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu nhằm giúp NHNN Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu GP Bank, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống các TCTD, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. NHNN sau đó đã cử các cán bộ của Vietinbank sang tham gia quản trị, điều hành. Từ bước ngoặt này, ngân hàng GP Bank vướng phải không ít khó khăn về tài chính, nhân sự… khiến khách hàng và người sử dụng dịch vụ lo ngại về các quyền lợi được hưởng, chính sách đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào GP Bank.

Theo Báo cáo Kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) số 199/BC-KTNN ngày 10 tháng 5 năm 2018 thì, thực trạng tài chính của GPBank không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của KTNN
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của KTNN.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của KTNN, GP Bank âm vốn chủ sở hữu gần 10,4 ngàn tỷ đồng (gần 500 triệu USD), cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với thời điểm mua bắt buộc (07/07/2015) do thua lỗ thêm. Nợ xấu của GPBank còn rất lớn, tới 2,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ.

Cũng theo KTNN, trong năm 2016 GP Bank thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. KTNN cũng cho biết, GPBank có 3.420 tỷ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỷ đồng liên quan đến nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỷ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…

Báo cáo của KTNN.
Báo cáo của KTNN.

Chuyện thiệt hại hơn 961 tỷ đồng

Đáng chú ý, sự việc “Xét xử 10 lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng GPBank”  được đăng tải trên Tạp chí Toà án nhân dân vào ngày 23/03/2021 có nêu: Ngày 22/03/2021, TAND TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Trong vụ án này có 13 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 10 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng GP Bank: Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank), Đoàn Văn An (SN 1958, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank), Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc GPBank), Đỗ Trung Thành (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank) và 6 bị cáo khác bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền từ tháng 08/2011, Phùng Ngọc Khánh (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch Hội đồng quản trị M&C) đã bàn bạc, thống nhất với Kim Văn Bộ (Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn) lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty Điện lực Sài Gòn giá trị hơn 477 tỷ đồng; Đồng thời, Khánh nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá hơn 14,2 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng, để dùng làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỷ đồng của GPBank, sau đó chiếm đoạt hơn 290,7 tỷ đồng. Đến nay, không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C nên về trách nhiệm dân sự, các bị can phải liên đới chịu trách nhiệm theo yêu cầu của GPBank là 961,4 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc 305 tỷ đồng, nợ lãi 656,4 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định, hành vi của các bị can Phùng Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong quá trình thẩm định và quyết định cho vay, Tạ Bá Long và các đồng phạm là các lãnh đạo, cán bộ của GPBank đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, vi phạm quy định về xem xét, quyết định cho vay; vi phạm quy định về thẩm định và quyết định cho vay, nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C của bên thứ ba trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba.

Cáo trạng xác định, khi thẩm định giá, các bị can nguyên là nhân viên và lãnh đạo Ngân hàng GPBank đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là 14,2 tỷ đồng lên thành 728,7 tỷ đồng để cấp tín dụng cho vay trái pháp luật 305 tỷ đồng cho Công ty Điện lực Sài Gòn, trong đó các bị can Phụng Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu, Kim Văn Bộ lừa đảo chiếm đoạt 290,7 tỷ đồng trong số tiền giải ngân; số tiền lãi phát sinh theo yêu cầu của GPBank là 656,4 tỷ đồng.

Hành vi của Tạ Bá Long và các đồng phạm đã gây tổng thiệt hại 961 tỷ đồng của GPBank, theo cáo trạng xác định.

Số phận mới của ngân hàng GP Bank

Về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng khuyến cáo, cần rút kinh nghiệm từ việc xử lý 03 ngân hàng OceanBank, CBBank và GPBank. Gần 7 năm qua, dù có nhiều chính sách ưu đãi như khoản vay lãi suất 0%, các ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ về nhân lực, quản trị… nhưng "sức khỏe" của 03 nhà băng được mua lại với giá 0 đồng này vẫn rất “hom hem”.

Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng
Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng.

Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện rất đặc biệt. Nếu để ngân hàng nào phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nên việc bán ngân hàng yếu kém giá 0 đồng cho một ngân hàng khoẻ mạnh, có tiềm lực tài chính và quản trị chuyên nghiệp để xử lý, cơ cấu lại cũng là một cách làm để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như của toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề, ngày 09/07/2022, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Huy Thông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) ngân hàng.

Trước khi trở thành lãnh đạo GPBank, ông Phạm Huy Thông công tác tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại ngân hàng này như Giám đốc chi nhánh thành phố Hà Nội, Phó tổng giám đốc ngân hàng. Từ tháng 09/2013-05/2014, ông là người được ủy quyền công bố thông tin của VietinBank.

Tháng 07/2015, khi GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá “0 đồng”, ông Phạm Huy Thông được điều động và bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc GPBank, cho đến khi có quyết định mới.

GPBank cũng đồng thời công bố các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc bổ nhiệm ông Hồ Hữu Minh giữ chức vụ Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc GPBank; ông Nguyễn Quang Trung giữ chức vụ Thành viên HĐTV GPBank; bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó tổng giám đốc GPBank. 

Thời hạn giữ chức vụ của các nhân sự được bổ nhiệm nêu trên là 05 năm kể từ ngày 07/09/2022.

Được biết, tân Tổng giám đốc GPBank Hồ Hữu Minh cũng là một nhân sự cũ của VietinBank. Ông Hồ Hữu Minh từng làm Giám đốc chi nhánh Bắc Kạn, Phó phòng Phê duyệt tín dụng trụ sở chính của ngân hàng này.

Đáng chú ý, trong số những ngân hàng “0 đồng”, OceanBank và CBBank hiện đã có phương án xử lý chuyển giao bắt buộc, còn GP Bank chưa có phương án xử lý cụ thể.

Thương hiệu & Công luận tiếp tục chuyến đến bạn đọc những thông tin về thương hiệu GPbank.

Nghị quyết 130/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2022.

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin công chúng, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định sản xuất, kinh doanh, tránh thông tin tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát, tỷ giá; Khẩn trương triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém; hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại.

Trong số đó, có 03 ngân hàng TMCP làm ăn thua lỗ được nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các “ông lớn” nhóm Big 4 hỗ trợ quản lý điều hành. Đó là, OceanBank và GPBank được giao cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ CBBank… Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt do làm ăn thua lỗ kéo dài.

Minh An

*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn

Bài liên quan

Tin mới

Triệt xóa đường dây phát tán hơn 19 triệu nội dung đồi trụy
Triệt xóa đường dây phát tán hơn 19 triệu nội dung đồi trụy

Thông tin từ Công an Nghệ An, cơ quan này vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an triệt xóa thành công chuyên án, bắt 12 đối tượng truyền bá hơn 19 triệu nội dung văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet.

Nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc cao kỷ lục, EVN khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm
Nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc cao kỷ lục, EVN khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm

Trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng , EVN rất mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm.

Gần 200 vận động viên tranh tài tại Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ VII
Gần 200 vận động viên tranh tài tại Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ VII

UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son lần thứ VII. Có gần 200 vận động viên tham dự tại lễ hội năm nay.

ĐHCĐ Nhựa Bình Minh: Khoản quỹ đầu tư phát triển hơn 1.100 tỷ đồng sẽ cân nhắc để mở rộng hoạt động kinh doanh
ĐHCĐ Nhựa Bình Minh: Khoản quỹ đầu tư phát triển hơn 1.100 tỷ đồng sẽ cân nhắc để mở rộng hoạt động kinh doanh

ĐHĐCĐ Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã diễn ra vào sáng 29/4, thông qua toàn bộ tờ trình về báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch năm 2024, các thay đổi về nhân sự cũng như kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Ninh Thuận: Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành công tốt đẹp
Ninh Thuận: Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành công tốt đẹp

Sáng 28/4/2024, tại KS. Long Thuận thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Nghệ An kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2024
Nghệ An kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2024

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 380/QĐ-QLTTNA về việc triển khai Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kế hoạch kiểm tra sẽ được triển khai từ ngày 02/5/2024 đến hết ngày 31/5/2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.