22 bị cáo được đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018.

Nhìn lại ngày đầu xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm - Hình 1

 Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 8/1

Các câu hỏi của HĐXX tập trung làm rõ việc thực hiện gói thầu EPC trái quy định giữa PVC và PVPower (sau này chuyển đổi chủ thể từ PVC về PVN) trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, rồi tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và gần 1.313 tỷ đồng. Theo lời khai của các bị cáo, phần lớn số tiền trên được sử dụng sai mục đích khi đưa vào dự án chỉ khoảng 200 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC thừa nhận hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện như chưa có hồ sơ đề xuất, chưa có tổng dự toán...không đúng với trình tự thủ tục tổng thầu nhưng vẫn được ký vì đã xin ý kiến cấp trên, muốn tạo công ăn việc làm cho PVC vì thời gian đó PVC khó khăn về tài chính. Việc thực hiện hợp đồng sẽ giúp PVC có tiền để trả nợ ngân hàng và sử dụng vào một số mục đích khác nên ý định là ký trước rồi hoàn thiện điều kiện sau.

Về việc chỉ sử dụng một phần nhỏ số tiền tạm ứng vào dự án Thái Bình 2, bị cáo Thuận nhận thức rõ hành vi chi tiền vào mục đích khác là sai, song vẫn thực hiện. Tương tự, khai trước toà, một số bị cáo cho biết đều thực hiện khi “nhận lệnh” của cấp trên dù có biết hợp đồng vi phạm hoặc chi tiền như thế là sai.

Đơn cử như bị cáo Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVN, theo cáo buộc là đã thống nhất cùng bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33. Tuy nhiên, ông Quý cho biết việc mình tham gia có ý kiến căn cứ vào chủ trương của Tập đoàn, tờ trình của Tổng Giám đốc, ý kiến của HĐQT cũng như các ban chuyên môn dù trước đó không được biết hay thảo luận.

Thậm chí, khi được hỏi về số tiền tạm ứng được sử dụng vào mục đích khác thay vì đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý cũng không nắm rõ. Chủ toạ phiên toà đã nói: “Lẽ đời thường ta tiêu tiền thì phải biết tiền ở đâu. Phải chăng cứ có tiền thì tiêu chứ không cần biết tiền ở đâu!”. Bị cáo khai rằng sau này mới nhận thức được việc sử dụng số tiền tạm ứng như vậy là sai.

Bị cáo Trương Quốc Dũng – người trực tiếp quyết định, ký thủ tục để sử dụng hàng chục tỷ đồng từ nguồn tiền tạm ứng không đúng mục đích “thật thà” trả lời: Thời điểm đó PVC như con tàu đang đắm, ngân hàng đòi nợ nhiều quá nên mọi người nháo nhào để “vớt được gì thì vớt”. Bản thân bị cáo nhiệt tình và trẻ tuổi (sinh năm 1982 – PV), yêu quý PVC nên... cố gắng!

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng GĐ PVN bị cáo buộc biết rõ hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban QLDA tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC.

Khai báo trước toà, Nguyễn Xuân Sơn cho biết trong các cuộc họp giao ban của HĐTV thì bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo tạm ứng. Bị cáo mới về PVN nhận nhiệm vụ trong năm 2011 nên không được tham dự toàn bộ quá trình chuẩn bị dự án, ký kết hợp đồng 33 hay chuyển đổi hợp đồng về PVN. Do đó, bị cáo cũng không nhận thức được hợp đồng EPC số 33 không đủ điều kiện thực hiện. Bị cáo chỉ đạo tạm ứng tiền chỉ vì nghĩ rằng đây là công trình trọng điểm và mọi thứ đã đúng quy trình.

“Chỉ khi làm việc với kiểm sát viên cao cấp thì bị cáo mới biết điều kiện tiêu chuẩn của hợp đồng 33 không đủ và mới nhận thức hợp đồng vi phạm và việc mình cấp tiền là có sai” – bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời HĐXX và cho rằng mình “vô tình thực hiện” dẫn đến có vi phạm.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN thì cho biết, hợp đồng 33 do đơn vị thành viên của PVN là PVPower ký với PVC, sau này kiểm tra mới thấy không đủ căn cứ pháp lý, đồng thời chưa được HĐTV PVPower phê duyệt, nội dung sơ sài, không có điều khoản chi tiết thực hiện hợp đồng, nhất là liên quan thanh toán, tạm ứng nên hợp đồng này không thể thực hiện được và không có cơ sở để tạm ứng.

Sau đó khi thành lập Ban Quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng chủ trì, có chỉ đạo rà soát ký lại hợp đồng bằng hợp đồng 4194 thì mới thực hiện được hợp đồng EPC. Bị cáo cho biết cảm thấy ăn năn khi để cấp dưới sai sót khi ký hợp đồng EPC số 33. Tuy vậy, điều lạ là hợp đồng 4194 về cơ bản cũng không được điều chỉnh hoàn thiện các điều kiện còn thiếu, và theo bị cáo lý do là vì... không đủ thời gian!

Thế Long (T/h)