Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho biết: Hai ngân hàng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt cho các ngân hàng khác trong tương lai.

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình trước ngày 20/12/2024 phương án chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng kiểm soát đặt biệt còn lại (Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu - GPBank, Ngân hàng TMCP Đông Á – Dong A Bank).

Được biết, ngoài Vietcombank (nhận chuyển giao CB) và MB (nhận chuyển giao OceanBank), hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Cả hai ngân hàng này đều đã được cổ đông phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và đã chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Tại một sự kiện hồi cuối năm 2023, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank, cho biết nhà băng này đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

Theo bà Nhung, VPBank là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. "Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực", Phó Tổng giám đốc VPBank nói.

Đối tượng hướng tới chưa được VPBank công bố nhưng thị trường có nhiều đồn đoán ngân hàng này sẽ là "bến đỗ" của GPBank. Trước đó, tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.

Tại HDBank, năm 2022, ngân hàng này từng xin ý kiến và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank cũng được cổ đông chấp thuận việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của NHNN; đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, trả lời về việc liệu có tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác hay không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: "Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank", bà Thảo nói.

Thu Trang (t/h)