Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21/02 đến ngày 25/02, VN-Index giảm 5,94 điểm (-0,40%) xuống 1.498,89 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 25.584 tỷ trên HSX, tăng mạnh 33,54% so với trung bình tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 4,55 điểm (+1,04%) lên mốc 440,16 điểm.
Dù trải qua một tuần đầy biến động, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn trong tuần vừa qua với 13/21 nhóm ngành tăng giá. Trong đó, hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến Nga - Ukraine là ngành dầu khí (+13,3%) khi giá dầu thế giới đã có thời điểm chạm mốc 100 USD/thùng.
Nhóm phân bón (+8,5%) cũng được “hưởng ké” từ sự kiện này do lo ngại giá phân thế giới tăng khi các quốc gia cấm vận với Nga - quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới và giá khí châu Âu tăng. Nhóm bán lẻ (+7,8%) cũng là một nhóm ngành rất đáng chú ý khác nhờ sự xuất sắc của những cái tên như: FRT (+22,0%), PET (+13,1%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), về khung đồ thị tuần, VN-Index xuất hiện cây nến Doji giảm đỏ cho thấy lực mua và bán vẫn tạm thời cân bằng. Tuần qua mặc dù gặp nhiều biến động nhưng việc chỉ số cân bằng trở lại vào cuối tuần là một tín hiệu rất tích cực của thị trường. Nhìn chung, VN-Index vẫn chỉ đang trong xu hướng đi ngang tích lũy. Xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn chỉ đang trong quá trình hình thành và sẽ xác nhận nếu VN-Index vượt vùng kháng cự 1.510 – 1.515 điểm và xa hơn là vượt đỉnh cũ tại 1.535 điểm.
“VN-Index vẫn giữ được xu hướng tăng giá trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index kỳ vọng sẽ sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự ngắn tại 1.510 – 1.515 điểm và sớm chinh phục lại đỉnh cũ”, chuyên gia của TVSI nhận định.
Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lo ngại trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ucraina có thể gia tăng, một bộ phận nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong phiên cuối tuần để giảm rủi ro cho việc nắm giữ sang tuần sau.
“Trong tuần giao dịch này 28/02-04/03, VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại. Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/01, 18/01 và 24/01 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530-1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index giảm về vùng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 01/2022) thì có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đã đẩy nhiều chỉ số chứng khoán lớn trong khu vực Châu Á lao dốc và thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN – Index tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đường trung bình động 20 ngày (tương ứng với vùng 1.470 – 1.480 điểm).
“Trong bối cảnh như vậy, cơ hội đầu tư sẽ đến nhiều hơn ở những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ sự leo thang căng thẳng giữa Nga – Ukraine như dầu khí, phân bón,… và nhà đầu tư hoàn toàn có thể giải ngân vào các cổ phiếu này cho cả mục tiêu ngắn và dài hạn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư trong thời điểm xu hướng chung trên thị trường không quá tích cực như hiện tại”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Q.N (t/h)