Thời gian qua, nhiều vụ việc buôn lậu dược liệu kém chất lượng được lực lượng chức năng phanh phui. Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp nào về vấn nạn này?

Từ năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ 5 vụ vi phạm liên quan vận chuyển trái phép mặt hàng dược liệu (350 kg củ mã kích tươi; 5.520 kg củ ba kích tươi; 4.000 kg quả cau tươi; 56 hộp cao sâm, nhãn hiệu Top Class Geumsam Black Ginseng Extract - Hàn Quốc…).

Còn lại, các vụ việc được đối tượng khuân vác qua đường mòn, lối tắt, lối mở khu vực biên giới không thuộc địa bàn hoạt động của hải quan.

Nhức nhối nạn buôn lậu dược liệu - Hình 1

Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - ông Nguyễn Văn Lịch (Tổng cục Hải quan)

Để triển khai công tác kiểm soát hải quan đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác như các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan hàng năm, Kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán…

Trong đó, chỉ đạo các cục hải quan, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc bám sát, thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết... của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389/QG, BCĐ 138/CP, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng.

Tổng cục Hải quan xử lý như thế nào với tình trạng “rác” dược liệu được nhập về bằng con đường chính ngạch?

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng, công tác phòng chống tội phạm. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm... nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và để xảy ra tình trạng “rác” dược liệu được nhập khẩu về Việt Nam bằng con đường chính ngạch.

Tình trạng vận chuyển nguyên liệu, dược liệu không đảm bảo quy định, phức tạp đến đâu so với buôn lậu khác?

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và hoạt động vận chuyển trái phép nguyên liệu, dược liệu, quần áo, mỹ phẩm… có diễn biến phức tạp, do đường biên giới khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và nước láng giềng rất dài (nhất là giáp ranh với Trung Quốc - nơi xảy ra chủ yếu việc nhập lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới), với nhiều đường mòn, lối tắt, đường biên giới hiểm trở, nhân dân 2 bên giáp biên có mối quan hệ thân thiết lâu đời… nên đối tượng buôn lậu lợi dụng để thuê người vận chuyển qua biên giới.

Ngoài ra, đối tượng hoạt động theo đường dây, ổ nhóm khép kín, lợi dụng đêm tối và thực hiện vi phạm ngoài địa bàn hoạt động của lực lượng hải quan dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan hải quan.

Những khó khăn mà Tổng cục Hải quan gặp phải trong công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực chống buôn lậu dược liệu kém chất lượng?

Ngoài khó khăn như trên, địa bàn hoạt động của lực lượng hải quan được quy định tại NĐ số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan trách nhiệm phối hợp trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và NĐ số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 sửa đổi, bổ sung NĐ số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành hải quan.

Mặt khác, việc kiểm nghiệm về chất lượng dược liệu, thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Vì vậy, cần một khoảng thời gian nhất định nhằm xác định việc dược liệu có đảm bảo chất lượng hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trang Nguyễn (Thực hiện)