Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng hóa chất bảo quản để lưu giữ thực phẩm tươi lâu hơn, giúp việc kinh doanh thu lại nhiều lợi nhuận. Riêng về phụ gia thực phẩm axit benzoic không riêng gì tương ớt, rất nhiều loại thực phẩm khác cũng chứa benzoic acid mà người dân trên toàn thế giới đang sử dụng, điều quan trọng là hàm lượng cho phép của benzoic acid trong mỗi loại thực phẩm là như thế nào?

Tại Hoa Kỳ, FDA khuyến cáo hàm lượng benzoic acid cho phép chiếm 0,05 - 0,1% chế độ ăn hàng ngày.

Tại châu Á, không riêng Việt Nam mà hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... nhiều loại thực phẩm bao gồm cả tương ớt cũng có benzoic acid với hàm lượng trong giới hạn cho phép.

Hàm lượng chất bảo quản cho phép sử dụng trong thực phẩm? - Hình 1

Liên quan đến lô tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản do chứa axit benzoic, vấn đề được nhiều người quan tâm là có bao nhiêu chất bảo quản trong loại gia vị này

Một số nghiên cứu cũng đã được thực hiện và cho thấy với hàm lượng benzoic acid trong các loại thực phẩm ở giới hạn cho phép là an toàn với người tiêu dùng.

Xét về tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thì chất axit benzoic bị coi là chất cấm ở Nhật vẫn có thể sử dụng trong giới hạn (tức là với lượng nào đó) sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ trong suốt cuộc đời. Hàm lượng chất axit benzoic có trong tương ớt Chin-su có thể tính toán ra một người có trọng lượng 50kg có thể ăn khoảng 0,5 kg (nửa kg tương ớt)/ngày, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuỳ theo trọng lượng mỗi người để tính ra số lượng tương ớt có thể dùng mà vẫn trong ngưỡng an toàn.

Axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Codex.

Quy định của Codex hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước), trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt. 

Các hóa chất bảo quản có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trong các trường hợp lạm dụng, dùng quá hàm lượng cho phép, dùng các hóa chất trong danh mục đã bị cấm.

Ngoài axit benzoic, một chất bảo quản khác được sử dụng nhiều trong thực phảm là Natri metabisulfite đây cũng là chất được sử dụng làm chất bảo quản và chống oxy hóa trong thực phẩm. Hít phải natri metabisulfite có thể gây kích thích đường hô hấp, natri metabisulfite có thể gây dị ứng, hen suyễn. Nó cũng gây kích ứng da như đỏ, ngứa và đau khi tiếp xúc trực tiếp với da.

Ăn nhiều Natri metabisulfite có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tuần hoàn và suy nhược hệ thần kinh trung ương. Một liều Natri metabisulfite gây tử vong là khoảng 10 g cho một người trưởng thành.

Ngoài ra, Natri sulfite cũng là phụ gia giúp bảo quản độ tươi và giữ màu thực phẩm. Sau khi xảy ra nhiều phản ứng ở mức độ nghiêm trọng khác nhau, FDA đã hạn chế sử dụng Natri sulfite từ năm 1986, không cho phép dùng chúng trong các sản phẩm tươi sống hoặc thực phẩm chứa vitamin B1.

Mặc dù được phép sử dụng, những hóa chất này cũng những tác hại nhất định nên chúng chỉ được thêm vào ở một hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng dựa theo đúng tiêu chuẩn cho phép của các hóa chất này vì muốn kéo dài thời gian bán và thu lợi nhuận. Điều này có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe của người tiêu dùng trước mắt cũng như lâu dài.

Hằng Vương(T/h)