PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh Lao Động
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.
Axit benzoic tác dụng theo cơ chế trực tiếp. Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật, nó sẽ tác động lên một số enzyme, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate.
Đồng thời, axit này làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm men và vi khuẩn.
Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo.
Lý giải vì sao Nhật Bản lại thu hồi tương ớt chứa chất này, với cương vị là chuyên gia thực phẩm ông Thịnh cho rằng, điều này tùy thuộc vào quy định của mỗi nước vì Việt Nam cho phép sử dụng axit benzoic trong thực phẩm nhưng Nhật Bản lại không.
“Việc dùng axit benzoic tùy từng nước có cho phép hay không, liên quan nhiều vấn đề khác nhau. Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép mà nước khác phải công nhận”, PGS Thịnh nêu quan điểm.
Trước đó, Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản vừa ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa axit benzoic, axit sorbic... Theo công bố, công ty đứng ra nhập khẩu các lô hàng tương ớt trên là Javis Co., Ltd có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka, do ông Yasuhiro Naka là đại diện pháp luật. Đơn vị phân phối ra thị trường là Công ty TNHH Công nghiệp ISC.
Theo quy định của Nhật, không được sử dụng axit benzoic trong tương ớt của nước này. Trong khi đó, với tương ớt Chinsu, Trung tâm y tế công cộng Osaka kiểm tra thấy hàm lượng chất này là từ 0,41-0,45 g/kg. Số tương ớt Chinsu trên đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật.
Huy Trung