Tàu vận chuyển cát trái phép trên sông Luộc (xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương).
Thời gian qua, việc khai thác cát trái phép trên sông tại Hải Dương không chỉ ảnh hưởng đến đòi sống, sản xuất của nhân dân hai bên bờ sông, mà còn gây ra nhiều vụ việc phức tạp về an ninh - trật tự, những khu vực này. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương giải quyết, nhưng nạn khai thác cát trái phép vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, gây bức xúc dư luận.
Tháng 8-2013, để bảo vệ vùng đất bãi bị nạn khai thác cát xâm hại, một người dân thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) bị "cát tặc" đánh chết khiến nhân dân địa phương hết sức phẫn nộ. Sự việc nêu trên dẫn đến việc rạng sáng 27-11-2013, hàng chục người dân xã Hà Thanh dùng thuyền nan mang theo vũ khí áp sát rồi leo lên tàu khai thác cát phóng hỏa, đánh chìm tàu khai thác cát trên dòng sông Luộc. Tuy nhiên, nạn khai thác cát trái phép nơi đây vẫn không giảm, gây sạt lở hàng chục ha đất bãi canh tác của nhân dân. Ngày 25-4-2014, phát hiện tàu khai thác cát trái phép gần bờ, một số người dân thôn Tri Lễ chèo thuyền nan ra để xua đuổi. "Cát tặc" đã dùng hung khí, gạch, đá, tấn công người dân, khiến anh Vũ Văn Kiên bị thương nặng, phải đi cấp cứu.
Liên tiếp những ngày qua, người dân xã An Thanh (Tứ Kỳ) đã tập trung đông người, yêu cầu hai tổ bảo vệ của các thôn An Lao, An Ðịnh mang theo vũ khí là các công cụ lao động kéo ra bãi sông Thái Bình (nơi có hơn chục tàu hút cát hoạt động) để xua đuổi. Trước sự bức xúc của người dân, các tàu cát "rút vòi" dạt ra giữa dòng sông. Nhưng khi có cơ hội thuận lợi, các tàu hút cát lại lập tức thò "vòi", "tận thu" nguồn đất bãi khiến cuộc chiến của người dân An Thanh với "cát tặc" hết sức gian nan.
Nguy cơ mất trắng hàng chục ha đất canh tác và mất vùng nuôi trồng thủy sản do tình trạng khai thác cát trái phép khiến nhiều hộ dân bức xúc. Ông Phạm Văn Huỳnh, người dân thôn An Lao, cho biết: Khổ nhất là một số hộ dân đã đầu tư: từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng lập vùng chuyển đổi để trồng chuối, nuôi rươi, nuôi cáy. Nay bờ bãi liên tục bị "cát tặc" sục "vòi" làm sạt lở nhiều khu đất chuyển đổi. Nhiều gia đình phải thuê nhân công thả hàng trăm bao đất xuống điểm sạt lở, đắp hàng trăm m3 đất phía trong ruộng để hình thành bờ bao, song vẫn bị sạt lở. Biển báo hiệu đường sông nơi đây đã phải di chuyển vào phía đê hàng chục mét, nhưng hiện nay mép nước đã tiến sát chân cột. Tình trạng này kéo dài, nơi đây rất dễ trở thành điểm nóng về mất an ninh - trật tự ở nông thôn.
"Tiếp tay" cho "cát tặc" hoạt động trái phép ở Tứ Kỳ là hoạt động trái phép của hệ thống bến bãi ven sông Thái Bình, trong đó có những bến bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động hoàn toàn trái phép. Dọc theo tuyến đê chừng 15 km trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có tới 33 bến bãi chứa vật liệu xây dựng, trong đó 18 bến bãi hoàn toàn không có trong quy hoạch. Những đống cát, đá, sỏi chất cao như núi, chạy dài theo tuyến đê, vượt quy định cho phép hai đến ba mét là một trong những nguyên nhân chính "tiếp tay" cho tình trạng khai thác cát lòng sông trái phép và tình hình mất an ninh - trật tự của người dân địa phương.
Hiện nay, tình trạng khai thác trái phép cát lòng sông vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp tại khu vực bãi cạn Mía trên sông Thái Bình, thuộc địa bàn các xã An Thanh, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ). Mỗi ngày trung bình có từ 10 đến 20 tàu cát, bất kể ngày đêm, ngang nhiên sục "vòi" hút cát trái phép dẫn tới sạt lở nhiều bờ bãi mà người dân đã đổ mồ hôi, công sức lập thành vùng nuôi các loài thủy sinh đặc sản như con rươi, con cáy. Giữa thanh thiên bạch nhất, hàng chục con tàu có tải trọng từ 100 đến 600 m3 đua nhau hút cát trên đoạn sông dài chừng một km. Ước tính, trung bình mỗi ngày bờ, bãi, lòng sông quanh khu vực bãi cạn Mía bị hút trộm khoảng 4.000 m3 cát. Với giá bán 70 nghìn đồng/m3 thì mỗi ngày "cát tặc" thu về nguồn lợi khoảng 200 triệu đồng.
Bờ sông Luộc tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) bị sạt lở do khai thác cát trái phép.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 10-4-2013, UBND tỉnh Hải Dương có công văn số 554 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương ký. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đồng ý cho Công ty Ðầu tư và xây dựng INC (TP Hải Dương) được nạo vét, "tận thu" cát lòng sông tại khu vực bãi cạn Mía với những điều kiện cụ thể. Trong đó khối lượng cát được thu hồi là 150.389 m3; thời gian thực hiện đến hết ngày 15-5-2013; công ty phải thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện, số lượng phương tiện, thiết bị nạo vét tới các đơn vị có liên quan và UBND huyện Tứ Kỳ. Song đến nay, hoạt động khai thác cát tại bãi cạn Mía còn rất nhộn nhịp, khối lượng cát được "vét" đã cao hơn rất nhiều so với con số 150.389 m3. Khi chúng tôi làm việc với Công ty Ðầu tư và xây dựng INC, Giám đốc công ty Bùi Văn Viễn khẳng định: Công ty có đầy đủ văn bản cho phép nạo vét tận thu cát lòng sông ở khu vực bãi cạn Mía. Công ty chỉ họp đồng thuê bảy tàu hút cát ở bãi cạn Mía, còn việc có hơn chục tàu hoạt động ở đó thì công ty không biết, và công ty cũng chỉ tận thu tới ngày 17-5-2014, đến thời điểm này, công ty đã cho dừng tất cả các tàu khai thác...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm, việc tận thu cát tại bãi cạn Mía là không đúng quy định, bởi vì tới thời điểm này, UBND huyện Tứ Kỳ chưa nhận được thông báo nào từ phía Công ty Ðầu tư và xây dựng INC và các cấp, các ngành liên quan về việc công ty tiếp tục được tận thu cát từ việc nạo vét lòng sông. Mặt khác, từ thời điểm 15-5-2014, hoạt động của các bến bãi và hoạt động khai thác cát trên sông đều là trái phép. Trước tình trạng khai thác, tận thu cát trái phép ở xã An Thanh, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát khu vực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát bừa bãi.
Ðánh giá về nguyên nhân của tình trạng khai thác cát trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho rằng: Nhiều bến bãi chứa vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Tứ Kỳ là một trong những nguyên nhân cơ bản "tiếp tay" cho nạn khai thác cát trái phép. Việc để các bến bãi hoạt động trái phép, lãnh đạo các xã không thể không biết nhưng không tích cực ngăn chặn, xử lý; ở đây không loại trừ vấn đề có liên quan đến lợi ích nhóm, một bộ phận cán bộ đã làm ngơ cho sai phạm. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiêm tra, xử lý thật nghiêm những hoạt động khai thác cát trái phép, nhất là ở những nơi đã xảy ra vụ việc phức tạp như ở xã Hà Thanh; ngăn chặn ngay hoạt động khai thác cát trái phép còn diễn ra ở bãi cạn Mía (xã An Thanh) để người dân ổn định cuộc sống.
Không chỉ ở Tứ Kỳ, tình trạng khai thác cát lòng sông trái phép và hoạt động bến bãi trong mùa mưa bão còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương với những mức độ vi phạm khác nhau. "Cát tặc" đã làm sạt lở các vùng đất bãi canh tác màu mỡ, hủy hoại nhiều công trình phòng, chống lụt bão và gây mất an ninh - trật tự ở nhiều địa phương. Trên các dòng sông Kinh Môn, Kinh Thầy "cát tặc" đã từng biến kè trị thủy ven bờ thành đảo nổi giữa sông. Trên sông Rạng, "cát tặc" đã "nuốt" trọn một số tuyến kè và phá hủy nhiều hàng tre chắn sóng; trên sông Thái Bình, sông Luộc "cát tặc" đã cuốn phăng hàng trăm ha đất bãi canh tác của nhân dân ở các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng. Hoạt động bến bãi không đúng quy định đã tàn phá nhiều km mặt đê ở các huyện Kim Thành, Kinh Môn... Thiệt hại do các hoạt động khai thác cát trái phép gây ra ở Hải Dương là rất lớn, đe dọa nhiều công trình đê, kè khi mùa mưa bão đang đến. Ðề nghị, UBND tỉnh Hải Dương cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.
“UBND tỉnh Hải Dương chưa có văn bản nào đồng ý cho Công ty Ðầu tư và xây dựng INC hay bất cứ công ty nào khác khai thác cát ở bãi cạn Mía. Vì vậy, mọi hoạt động khai thác cát ở đó đều là trái phép và chiếm đoạt tài nguyên khoáng sản của Nhà nước. Việc Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam có Công văn số 1964, ngày 29-11-2013, gia hạn thời gian nạo vét cho Công ty Ðầu tư và xây dựng INC; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương có Công văn số 08, ngày 3-1-2014, thỏa thuận thời gian thi công nạo vét cho Công ty Ðầu tư và xây dựng INC tại bãi cạn Mía mới là điều kiện "cần" chứ chưa "đủ"". PHẠM VĂN NHỞN (Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên, Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương |
Theo Nhân Dân