Tổng mức đầu tư 35 tỷ hay 42 tỷ?

Theo đó, Dự án công trình Cột đồng hồ được khởi công từ cuối năm 2016, hoàn thành cuối tháng 3/2017 có tổng mức dự toán đầu tư hàng chục tỷ đồng, bao gồm: Thiết kế, vật liệu và tiền thi công. Toàn bộ công trình do vốn ngân sách TP. Hạ Long đầu tư xây dựng.

Theo thiết kế, cột đồng hồ có kết cấu bằng 53 khối lớn nhỏ, bên trong là thép, bên ngoài bằng kính, phía trên gắn hệ thống đồng hồ chỉ thời gian của Việt Nam và một số nước khác. Phần khung được làm từ 18 tấn thép, bên ngoài được bọc bằng kính cường lực màu vàng, hình thành trên kết cấu của 53 khối lớn nhỏ với tổng thể cao 28 m.

Được biết, công trình được lấy ý tưởng từ quá trình hình thành than đá của tỉnh Quảng Ninh. Nhìn từ bên ngoài có màu vàng với ý nghĩa "thời gian là vàng". Đây sẽ là một trong những điểm du lịch tham quan mang tính mỹ thuật của TP. Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

Những bất cập xung quanh công trình cột đồng hồ TP. Hạ Long - Hình 1

 Cột đồng hồ hàng chục tỷ giữa lòng TP. Hạ Long.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long (đơn vị làm chủ đầu tư dự án) ông Hoàng Quang Hải cho biết: Do đây là công trình đặc thù, có nhiều điều chỉnh, đến thời điểm này, công trình chưa quyết toán nên chưa thể khẳng định chi phí của dự án này là 35 tỷ đồng hay 42 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều PV cho rằng, một công trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, tại sao không có hạch toán ban đầu cũng như tổng giá trị đầu tư là bao nhiêu?

“Cột đồng hồ cũ đã không còn phù hợp với kiến trúc đô thị hiện đại của TP. Hạ Long đang trên đà phát triển, vì vậy chủ trương xây dựng cột đồng hồ mới xứng tầm phát triển, phù hợp với cảnh quan xung quanh để trở thành điểm nhấn, có ý nghĩa quảng bá hình ảnh mảnh đất di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là cần thiết”, ông Hải nhấn mạnh.

Quảng Ninh phấn đấu, đến hết năm 2020, sẽ đưa 22 xã, 11 thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khăn khăn. Trước mắt, trong năm 2017, tập trung hỗ trợ sản xuất cho hơn 5.300 lượt hộ nghèo và cận nghèo, phấn đấu đến hết năm nay, sẽ đưa 1.581 hộ thoát nghèo và 479 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Theo đó, Quảng Ninh đang dồn mọi nguồn lực từ vốn ngân sách Trung ương, địa phương, các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, những người dân và nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp…

Cùng với đó, toàn bộ nguồn lực huy động được sẽ tập trung vào xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ vệ sinh môi trường, chương trình bao tiêu sản phẩm… Thế nhưng, một dự án cột đồng hồ với mức đầu tư 30 - 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã và đang khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng (?).

“Lợi bất cập hại”?

Cũng tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ 11/4, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long, ông Hoàng Quang Hải khẳng định: “Cột đồng hồ là công trình văn hóa rất có ý nghĩa với TP. Hạ Long, đã đi vào tiềm thức của người dân. Công trình mới, có kiến trúc, quy mô phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh của TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nên cần tạo điểm nhấn về kiến trúc”.

Theo ông Hải, cột đồng hồ là công trình văn hóa được xây dựng phù hợp với quy hoạch và "mặc dù bên thi công chưa bàn giao nhưng đã có rất nhiều người dân và du khách đến ngắm, chụp ảnh” (?!)

Tuy nhiên, theo quan sát của PV tại khu vực cột đồng hồ này những ngày mới đi vào hoạt động thì, công trình này đang thu hút rất nhiều sự hiếu kỳ của mọi tầng lớp nhân dân, thế nhưng, việc thu hút này đang dẫn đến một vấn đề gây mất ATGT cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường.

“Tôi thường đi qua khu vực ngã tư này, từ lúc công trình được đi vào hoạt động thì tình trạng mất ATGT luôn tiềm ẩn, xe máy đi qua đây thường dừng lại bất thường để chụp ảnh dẫn đến người đi đằng sau không xử lý kịp đâm vào xe đi trước là chuyện rất bình thường”, ông Nguyễn Văn Sinh, một gười dân TP. Hạ Long cho biết.

Không chỉ vậy, tình trạng người dân dừng đỗ xe trái quy định cũng diễn ra thường xuyên khiến tình trạng các phương tiện lưu thông qua ngã tư này ngày càng phức tạp.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/5/2016 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016, thì nếu dừng, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định, các phương tiện mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đối với xe ô tô, mức phạt từ 300.000 đồng đến 1.200.000 đồng. 

Bên cạnh đó, công trình Cột đồng hồ được xây dựng tại nút giao cắt giữa các đường lớn, có mật độ giao thông đông đúc của TP. Hạ Long; công trình che khuất tầm nhìn, phản xạ ánh sáng... ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, trước thông tin trên, ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết thêm: Nguyên liệu làm cột đồng hồ bao gồm khung sắt và kính cường lực mầu vàng sẫm, không phản xạ ánh sáng nên không gây chói lóa. Bán kính của công trình 43 m2 đã được nhà thiết kế tính toán hợp lý. Việc lựa chọn các mẫu thiết kế đều trải qua thi tuyển, lấy ý kiến của các bên (?!)

Phải chăng, công trình này vô tình mang đến nhiều vấn đề bất cập hơn là những cái lợi mang lại trước mắt?

Đề nghị các cơ quan, ban, ngành của TP. Hạ Long cũng như tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng vào cuộc giải quyết những vấn đề bất cập xung quanh công trình này.

Bảo Quyên