Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh 1-2 con được hỗ trợ đến 3 triệu đồng
Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh 1-2 con được hỗ trợ đến 03 triệu đồng.

Theo Thông tư 15/2022/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/05/2022, quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 03 triệu đồng/bà mẹ.

Tại Điều 4, Nghị định 104/2003/NĐ-CP nêu rõ mục tiêu chính sách dân số là duy trì mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số, bảo đảm cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP, phụ nữ là người dân tộc thiểu số sinh 1 hoặc 2 con thuộc trường hợp sinh con đúng chính sách dân số.

Quân nhân xuất ngũ được tăng mức trợ cấp

Thông tư 22/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/5, quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm.

Cụ thể: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Tăng mức vay cho học sinh, sinh viên lên 04 triệu đồng/tháng

Bắt đầu từ ngày 19/05, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực, đã điều chỉnh quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Cụ thể, mức vay vốn tối đa của mỗi sinh viên tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 04 triệu đồng/tháng.

Những học sinh, sinh viên được vay vốn phải nằm trong diện có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo hoặc hộ có mức sống trung bình; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh…

Đăng ký xe máy tại công an xã 

Người dân có thể đến đăng ký và lấy biển số xe máy tại công an xã nơi cư trú. Ảnh minh họa PLO.
Người dân có thể đến đăng ký và lấy biển số xe máy tại công an xã nơi cư trú. Ảnh minh họa PLO..

Thông tư 15/2022/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 21/05, quy định thẩm quyền cấp đăng ký biển số xe máy của công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Đồng thời cũng có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối với Phòng Cảnh sát giao thông thuộc công an cấp tỉnh, thành phố đăng ký, cấp biển số đối với xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc… của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… có trụ sở trên địa bàn.

Thay vì phải đến công an huyện để làm thủ tục đăng ký thì giờ đây người dân khi mua xe máy có thể đến trực tiếp công an xã nơi cư trú để để làm thủ tục đăng ký xe và bấm biển số.

Tài xế có thể nộp "phạt nguội" tại công an nơi cư trú

Cũng từ ngày 21/05, theo Thông tư 15/2022/TT-BCA, nếu người vi phạm bị "phạt nguội" mà không cư trú trên địa bàn cấp huyện thì cơ quan công an sẽ gửi kết quả phạt về công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm.

Cụ thể, gửi cho công an xã nếu lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt; gửi cho công an huyện nếu lỗi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của công an cấp xã hoặc công an xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối. Sau đó, công an nơi cư trú sẽ mời người vi phạm đến trụ sở để giải quyết.

Minh An (T/h)