Cấm hoàn toàn lái xe sau khi uống rượu, bia
Đây là nội dung đáng chú ý được Quốc hội ban hành tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 44/2019/QH14 ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, để phòng ngừa tai nạn giao thông, lần đầu tiên Quốc hội cụ thể hóa quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông vào trong Luật. Bên cạnh đó, Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm sử dụng người lao động chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Cũng trong Luật này, Quốc hội quy định rõ các địa điểm sau không được uống rượu, bia: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia…
Ảnh minh họa
Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động tại các vùng từ ngày 01/01/2020 như sau: Địa bàn thuộc vùng I: Tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Địa bàn thuộc vùng II: Tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Địa bàn thuộc vùng III: Tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; Địa bàn thuộc vùng IV: Tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2020.
4 trường hợp được xem là chiếm đất kể từ 05/01/2020
Ngày 05/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định 91 đã chính thức ấn định rõ các trường hợp được xem là chiếm đất khi sử dụng đất, cụ thể gồm: Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp); Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Các hành vi chiếm đất trên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 05/01/2020.
Vật nuôi phải được đối xử nhân đạo
Cụ thể, theo Luật này, tổ chức, cá nhân phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong các trường hợp sau: Đối xử nhân đạo trong chăn nuôi: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Đối xử nhân đạo trong vận chuyển: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Đối xử nhân đạo trong giết mổ: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 01/01/2020.
Từ 2020, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ khách hàng tối đa 05 lần/ngày
Việc thu hồi nợ của công ty tài chính phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Cụ thể, số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ;…
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đó tại thời điểm cuối ngày làm việc liền kề trước ngày ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau:
Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%. Từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%. Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%. Từ ngày 01/01/2024 trở đi là 30%.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
PV