Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng

Hiện cáo trạng, hồ sơ vụ án Tân Hoàng Minh đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển sang TAND TP. Hà Nội để đưa ra xét xử trong năm nay.

Ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm.
Ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm. Ảnh báo Tiền Phong.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 06/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai song do ảnh hưởng của Covid-19, khiến doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn về tài chính, có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng. Đến tháng 01/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 08 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.

Để có tiền thanh toán nợ, bị can Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

Theo đó, các bị can thống nhất, Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Thay vào đó, 03 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.

Cáo buộc cho rằng, các công ty con này sau đó mở 09 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đó, bị can Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng. Số tiền huy động được, ông Dũng và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Theo cơ quan tố tụng, ông Dũng và 15 bị can trong vụ án đã chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng, số tiền này hiện đã giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.

Cựu Chủ tịch FLC thao túng chứng khoán

Vụ án Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng dự kiến được đưa ra xét xử trong năm 2024.

Ảnh chinhphu.vn
Vụ án của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng dự kiến được đưa ra xét xử trong năm 2024. Ảnh chinhphu.vn.

Trước đó, hồi tháng 10/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết và 20 người về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.

Theo kết luận, từ tháng 6/2017 - 1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 người, thành lập và đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng, "thổi giá" cổ phiếu.

Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán "chui" cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.

Ngoài ra ông Quyết còn bị cáo buộc chỉ đạo một số người thân và thuộc cấp thực hiện việc góp vốn khống vào Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã cổ phiếu ROS) bằng cách ký khống các chứng từ.

Theo cơ quan tố tụng, khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng là tiền của các nhà đầu tư.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng

Bà Trương Mỹ Lan (trái) cùng đồng phạm
Bà Trương Mỹ Lan (trái) cùng đồng phạm.

Trong năm 2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, ra trước TAND TP. HCM để xét xử. Dự kiến phiên toàn sẽ mở trong năm 2024.

Cơ quan tố tụng quy kết, từ năm 2012 - 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

PV (t/h)