Bài 16: Hà Giang - mùa nào cũng đẹp

Hà Giang - nơi địa đầu của tổ quốc. Nhắc đến du lịch Hà Giang, có lẽ không ai là không biết đến mùa hoa tam giác mạch, nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm. Du khách cùng đón không khí se se lạnh đầu đông của vùng Tây Bắc, thả hồn vào cảnh sắc núi rừng hùng vĩ Hà Giang… 

Thành phố Hà Giang về đêm

Nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc

Nằm ở vị trí thuận lợi, nơi giao thoa giữa 2 vùng văn hóa Đông - Tây Bắc, Hà Giang có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Địa hình chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc cao - đã tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm, kết hợp với các thung lũng mở rộng và thác nước hùng vĩ, độc đáo.

Những giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ, kết hợp với văn hóa độc đáo, phong phú của 19 dân tộc - là điều kiện, yếu tố căn bản làm nên giá trị đặc sắc của không gian văn hóa Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh giáp biên với Trung Quốc, có cửa khẩu quốc tế, thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu và du lịch.   

Cảnh quan đô thị Hà Giang

Đặc biệt, nằm ở vị trí trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Bắc và Tây Bắc, Hà Giang có những yếu tố thích hợp để hình thành các sản phẩm du lịch liên tỉnh và liên vùng.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang thuộc khu vực động lực cùng tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai - phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng núi; tìm hiểu văn hóa - lối sống cộng đồng; tìm hiểu lịch sử cách mạng và du lịch thể thao mạo hiểm.

Dự thảo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, định hướng đầu tư, phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia.

Sản phẩm du lịch của tỉnh, được phát triển đa dạng, mới mẻ và có sức hấp dẫn từ trải nghiệm, khám phá, mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng đến lịch sử, tâm linh. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương, như:

Du thuyền lòng hồ Thủy điện Nho Quế; du lịch thể thao chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, cung đường Hạnh phúc; dù lượn trên cao nguyên đá và ruộng bậc thang; Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội khèn Mông…  

Cùng với đó, Hà Giang chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN và mô hình làng văn hóa du lịch gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, có hàng chục nhà hàng được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch.

Năm 2023, lượng khách du lịch đến với tỉnh đạt 3,2 triệu lượt người, gấp 2,15 lần so 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 7.050 tỷ đồng, vượt 20% chỉ tiêu đề ra.

Núi Cấm Sơn Hà Giang - chinh phục bức tranh hùng vĩ giữa lòng thành phố

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đón gần 1,7 triệu lượt du khách, tăng 19,1% so cùng kỳ 2023, đạt 52,8% kế hoạch năm. Trong đó, có gần 223.000 lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch, ước đạt 4.200 tỷ đồng. 

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên, cùng bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, Hà Giang sở hữu những địa danh nổi tiếng: Cột mốc Km0; núi đôi Quản Bạ; phố cổ Đồng Văn; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; sông Nho Quế…

Những địa danh nổi tiếng - đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du lịch thành phố Hà Giang

Xây dựng thương hiệu cho điểm đến du lịch

Từ nay đến cuối năm Hà Giang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách trong năm 2024.

Trong đó, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch Hà Giang; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch. 

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong phát triển du lịch; các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch; tiếp tục xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”; đầu tư xây dựng và bảo tồn các làng văn hóa du lịch cộng đồng, gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn…

Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh:

Đến năm 2030, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; xây dựng thành công khu du lịch trọng điểm quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn; Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc đối với du khách trong nước và quốc tế… Qua đó, ngành du lịch góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Lễ cấp sắc cho nam giới của người Dao

Mới đây, tại Hội thảo định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng Đông - Tây Bắc, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, thương hiệu du lịch nhằm định vị giá trị, hình ảnh và nâng cao sự nhận biết của thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh.  

Vì vậy, Hà Giang cần xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường và thương hiệu du lịch.

Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, đi liền với các giá trị về lịch sử, danh tiếng, đặc thù chất lượng và công tác tổ chức quản lý, sử dụng các thương hiệu du lịch cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), TS. Trương Sỹ Vinh cho rằng:  

“Hà Giang cần có giải pháp về đầu tư và thu hút du lịch, đảm bảo sức chứa, khả năng đón tiếp phục vụ khách du lịch quốc tế. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, có những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Địa phương nên xây dựng, phát triển thương hiệu và sản phẩm du lịch riêng của tỉnh, dựa trên giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, các di tích, danh lam thắng cảnh, nhất là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn”.

ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Khoa Du lịch và Khách sạn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ:

“Du lịch Hà Giang mang bản sắc riêng với những di sản thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo - đã và đang có sức hút rộng lớn đến du khách. Để hoạt động du lịch phát triển lâu dài và bền vững, thương hiệu điểm đến cần được xây dựng đồng bộ gắn với các tiêu chí về phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương, bảo tồn giá trị truyền thống, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đem lại sự hài lòng cho du khách”…

Mùa hoa tam giác mạch tháng 10

Hà Giang - một tỉnh nằm ở khu vực biên giới Việt Nam. Đây sẽ là điểm đến tuyệt vời cho những ai thích chinh phục, thích khám phá những cung đường đèo núi. Nơi địa đầu tổ quốc, được thiên nhiên ưu ái vô vàn cảnh sắc tươi đẹp mà có lẽ du khách nên trải nghiệm 1 lần trong đời.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) thu hút đông đảo du khách thăm quan

Hà Giang - địa điểm du lịch rất phù hợp cho những bạn trẻ nào ưa mạo hiểm. Dù đường đi có hơi khó khăn và hiểm trở bởi đường đèo, nhưng đổi lại, bạn sẽ được khám phá mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì, Đèo Mã Pí lèng với cung đèo đẹp nhất; cao nguyên đá Đồng Văn được ví là bảo tàng địa chất nổi tiếng thế giới, ngắm những thửa ruộng bậc thang ở Phó Bảng, Yên Minh.

Hay như, du khách tham quan vườn hoa tại thung lũng Sủng Là; tìm về với lịch sử qua dinh thự vua Mèo, phố cổ Đồng Văn. Và nhất định, du khách không thể không chèo lên Cột cờ Lũng Cú – điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ trên bản đồ Việt Nam. 

Cũng bởi sự hiểm trở về đường đi và sự độc đáo về cảnh sắc, mà Hà Giang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn các bạn trẻ nhất Việt Nam.

Cũng tọa lạc ở vùng Tây Bắc, Hà Giang lại mang trong mình một sắc đẹp riêng biệt, với những con đường nhỏ hẹp, lòng vòng, uốn khúc ngoạn mục, chạy ngang qua những ngọn núi hùng vĩ.

Nếu như bạn đã lỡ say mê sắc đẹp của Sa Pa, thì Hà Giang - 1 lần tiếp nữa - đem đến cảm xúc phiêu lãng hơn bao giờ hết.

Bản Đề Chia nằm trong khu nghỉ dưỡng H’Mong Village, xã Đông Hà (Quản Bạ) mang kiến trúc bản địa

Đặt chân đến Hà Giang, khách nước ngoài sẽ không thể nào kiềm lòng trước vẻ đẹp tuyệt diệu của mảnh đất hoang vu này. Hà Giang mùa nào cũng đẹp, cũng đáng để đi và trải nghiệm. Hà Giang là vị trí thu hút phần lớn phượt thủ, những “tín đồ” mê mạo hiểm và vẻ đẹp hoang sơ. Cung đèo Mã Pí Lèng quanh co hiểm trở, cứ như thách thức con người khám phá nó.

Đến với Hà Giang vào tháng 10, du khách sẽ hút hồn bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch nở trắng xóa. Các cánh hoa hồng phớt, điểm tô sắc tím mộng mơ, khiến cả ngọn đồi như khoác lên mình một thảm màu rực rỡ.

Hoa tam giác mạch mọc bên trên đồi, chân núi, thậm chí mang sức sống mãnh liệt - mọc lên trên cả những vách đá đầy chông gai nguy hiểm. Sắc hoa tam giác mạch, khiến cho thiên nhiên núi rừng hiểm trở cũng hóa dịu dàng.

Mảnh đất này, thu hút du khách 4 phương bởi những địa danh hùng vĩ như đỉnh Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, núi đôi Quản Bạ hay các di tích lịch sử văn hóa lâu đời như phố cổ, cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngoài ra, các bản làng của người dân tộc với văn hóa bản địa đặc sắc, cũng là điều hấp dẫn du khách. Hãy thử 1 lần tham gia hành trình khám phá Hà Giang bằng xe máy, để trải nghiệm trọn vẹn cảnh sắc hoang sơ nơi đây. 

Không khó để tìm kiếm các món ăn đặc trưng của người dân tộc bản địa tại các nhà hàng nổi tiếng tại thành phố Hà Giang như thắng dền, cháo ấu tẩu, cơm lam Bắc Mê, thắng cố, bánh cuốn trứng, phở chua, xôi ngũ sắc, lợn bản

Nếu như Sapa là địa điểm du lịch Việt Nam nổi tiếng bởi cảnh quan vừa nên thơ, vừa hùng vĩ; thì Hà Giang lại gây ấn tượng nhờ sự tráng lệ, bí ẩn và hoang sơ của rừng núi. Do đó, đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích đi phượt và mong muốn khám phá tự nhiên. 

Vẻ đẹp của Hà Giang - tựa như một bức tranh với mây núi gió ngàn, rừng cây trùng điệp và đường đèo uốn lượn, hiểm trở. Nổi tiếng phải kể đến là đèo Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng - vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc.

Hà Giang mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là vào tháng 10 khi những cánh đồng tam giác mạch nở trắng xóa. Check- in vào mùa hoa nở giữa cảnh núi rừng hùng vĩ - là một trải nghiệm đáng nhớ…

Bản hùng ca từ đá - 4 mùa đá nở hoa

Trải rộng trên 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600 m so mực nước biển, trên diện tích hơn 2.354 km2.

Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học, bởi chúng chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao.

Một góc trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Một góc cao nguyên Đồng Văn

Theo khảo sát của các nhà khoa học - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cao nguyên đá Đồng Văn có 11 hệ tầng địa chất, gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài; trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất, có niên đại hơn 545 triệu năm.

 

Người dân nơi đây có câu nói “sống trên đá, chết vùi trong đá”!

Cao nguyên đá Đồng Văn với bạt ngàn là đá núi. Đá dựng thành giăng lũy, đá bao phủ khắp núi non hiểm trở, lớp nọ chồng lớp kia đủ các hình thù kỳ dị như cuộc triển lãm các hòn non bộ kỳ vĩ, khổng lồ của đất trời.

Đá vốn rắn đanh khắc khổ mà khi quần tụ bên nhau trên cao nguyên Đồng Văn, cũng như biết khoe mình làm dáng với thiên hình vạn trạng làm nên những “vườn đá”, “rừng đá” độc đáo.

Nơi đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Trẻ em sinh ra, núm ruột hồng được vùi vào trong đá. Trai gái yêu nhau, tỏ tình bên bờ rào đá. Người chết đi, lại được vùi vào trong lòng đá. Những phiên chợ rực rỡ sắc màu, cũng hiện lên từ đá. Đá làm nhà, làm bờ rào và giữ nước cho những mùa khô.  

Với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất hiếm.

Và có lẽ, kỹ thuật canh tác trên miền đá xám cao nguyên đá Đồng Văn - là một trong những hình ảnh về cuộc mưu sinh không có ở bất cứ nơi đâu.

Người dân Đồng Văn giúp nhau làm nhà trình tường, một nét văn hóa của người vùng cao.
 

Người dân vùng cao trồng ngô trong hốc đá 

Nếu ai đến cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày tháng Hai, tháng Ba Âm lịch, sẽ thấy trên vững triền đá xám người dân nơi đây từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. 

Qua 3 lần vun gốc và bón phân, qua những đêm dài khắc khoải lo lắng cầu cho mưa thuận, gió hòa, những cây ngô nơi đây mới trổ hoa và ra bắp. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là một giọt mồ hôi.

Để tháng Tám về, từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông nơi đây lại lên nương thu hoạch vụ mùa. Để những căn bếp lại thơm lừng mùi ngô mới. Để những khát vọng no ấm, hạnh phúc lại thôi thúc đồng bào nơi đây mạnh mẽ - vươn mình lên trong lòng đá khô cằn.

Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi mà nhà địa chất hàng đầu Lê Bá Thảo đã nói:

“Nơi có phong cảnh tuyệt đẹp”; “Không có cảnh nào hùng vĩ và đáng kinh ngạc hơn”.

Và với nhiều du khách khi đặt chân tới nơi đây, thì cao nguyên đá Đồng Văn được nhắc tới là “miền đất gây thương nhớ”. Cao nguyên đá Đồng Văn, vừa gần gũi thân quen, vừa xa lạ, vừa ngỡ ngàng.

Bởi nơi đây, cảnh sắc thiên nhiên luôn thay đổi từng ngày, từng mùa trong năm với những loài hoa muôn sắc hương...

Sau nhiều năm nỗ lực, Du lịch Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu:Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn trong TOP 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2022; Tờ báo The Travel (Canada) bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; Tổ chức World Travel Awards 2023 (WTA) đã vinh danh, trao giải thưởng “Hà Giang - điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023; giữ vững Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, sau 3 lần tái đánh giá.

Bài sau: Sơn La - sức hút thảo nguyên xanh

Hương Thủy