Nguyên nhân chính khiến Đạm Hà Bắc thua lỗ triền miên xuất phát Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Ảnh: Lê Phương
Kết luận số 539 ngày 10/4/2020, Thanh tra Chính phủ cho biết đã thanh tra toàn diện Đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, nội dung chính tập trung vào các mục như Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; hoạt động đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa và quản lý vốn.
Những nguyên nhân chính
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 3 nguyên nhân cốt yếu khiến Đạm Hà Bắc rơi vào thua lỗ triền miên, các nguyên nhân này đều nằm trong Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc.
Cụ thể, giai đoạn 2012 – 2014 Công ty hoạt động có lãi, đảm bảo an toàn vốn. Từ khi dự án này đi vào hoạt động tháng 4/2015, Công ty liên tục thua lỗ, năm 2015 lỗ 669,8 tỷ, 2016 lỗ 1.051,5 tỷ, 2017 lỗ 661,6 tỷ, năm 2018 lỗ 332,5 tỷ…
Thanh tra Chính phủ xác định, dự án mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc đã thay đổi tổng mức đầu tư theo hướng tăng mạnh, trong khi vốn tự có thấp (chỉ 17,9%), nên chi phí lãi vay lớn, Đạm Hà Bắc mất cân bằng dòng tiền, kinh doanh thua lỗ.
Phê duyệt ban đầu của dự án theo quyết định 212 ngày 19/3/2008 là hơn 392 triệu USD. Tuy nhiên, tại phê duyệt điều chỉnh ngày 20/10/2019, tổng mức đầu tư đã lên tới trên 568 tiệu USD, tăng 44,9%.
Điều đáng chú ý ltrong quá trình phê duyệt dự án, Đạm Hà Bắc chỉ thẩm định tổng mức đầu tư. Trong khi đó tổng mức đầu tư là do nhà thầu cung cấp, nhưng nhà thầu lại thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ, cơ sở xác dịnh.
Cụ thể, Liên danh nhà thầu WEC – CECO (gồm Công ty TNHH cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn Trung Quốc và Công ty CP thiết kế công nghiệp hóa chất Việt Nam) thiếu báo giá chi phí bản quyền công nghệ, thiếu văn bản xác định tính khả thi của công nghệ, thiếu thỏa thuận với nhà chế tạo về giá thiết bị chính mà dự án sử dụng, thiếu tài liệu tính toán chi tiết vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình, cho thiết bị chính… nhưng Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng. Quá trình điểu chỉnh tổng mức đầu tư, Đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự ý điều chỉnh Dự án.
Hơn nữa, tại báo cáo khả thi dự án được lập từ tháng 1/2008 (tổng mức 392 triệu USD) có nêu: Dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá Ure giảm 8%, giá than nguyên liệu tăng 22%. Tuy nhiên, khi phê duyệt điều chỉnh, dù giữ nguyên mục tiêu, quy mô, công suất nhưng tổng mức đầu tư tăng 44,9%, ảnh hưởng tới tính hiệu quả dự án nhưng không được làm rõ.
Những gì còn thiếu?
Trong những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu những nguyên nhân thua lỗ sau khi dự án vận hành như tổng mức đầu tư, giá than, giá Ure… Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ không hề nêu lý do tại sao Đạm Hà Bắc lựa chọn công nghệ đốt lò sản xuất đạm từ than.
Lưu ý rằng, hiện nay, có 2 nguồn nguyên liệu để các nhà máy đạm lựa chọn đốt lò sản xuất đạm là than và khí. Trong đó, công nghệ đốt lò bằng than là công nghệ cũ, ngoài việc hiệu quả thấp thì nó còn gây ra ô nhiễm môi trường do bã xỉ than thải ra sau khi sản xuất.
Do đó, các nhà máy sản xuất phân đạm trên thế giới hiện nay đang ưu tiên lựa chọn công nghệ sản xuất từ khí đốt để nâng cao năng lực sản xuất, tiết giảm chi phí. Và cũng phải nói thêm, công nghệ sản xuất phân đạm từ khí đã có từ lâu. Như nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất phân đạm từ khi được Chính phủ phê duyệt từ năm 2001.
Đạm Cà Mau cũng là nhà máy điển hình sử dụng công nghệ đốt khí với công suất 800.000 tấn một năm, tương đương 2.350 tấn ure mỗi ngày (lưu ý, dự án mở rộng Đạm Hà Bắc cũng chỉ nâng công suất lên trên 500.000 tấn/năm).
Hệ quả, Đạm Cà Mau liên tục báo lãi, tăng trưởng tốt. Hiện sản phẩm đạm của Đạm Cà Mau đang cạnh tranh tốt tại Đồng bằng Sông Hồng, dù nhà máy tít tại Cà Mau. Đạm Phú Mỹ tuy âm thầm, nhưng vẫn luôn giữ đà tăng trưởng tốt.
Do đó, sẽ không khó hiểu khi Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc vẫn lựa chọn công nghệ sản xuất từ khí hóa than và chịu thua lỗ triền miên.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp