Trong bối cảnh kinh tế thế giới những tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận sự phục hồi tích cực và khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhờ việc bình ổn giá cả, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu, và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc; giá dầu mỏ giữ ổn định ở mức cao và xu hướng chủ đạo nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy hoạt động thương mại tự do vẫn được duy trì, bất chấp những quan ngại bảo hộ và chiến tranh thương mại gia tăng từ Mỹ…, Kinh tế Việt Nam trong quý 1-2018 được ghi nhận với nhiều động thái tổng thể tích cực sau:
Tăng trưởng cao và đồng đều
GDP quý 1/2018 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm qua) và có sự tăng đồng đều trong cả ba lĩnh vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,70%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng 13,56% và là mức tăng cao nhất trong bảy năm gần đây;
Chất lượng tăng trưởng được thể hiện rõ qua tốc độ tăng GDP khá cao trong quý 1, trong khi tốc độ tăng vốn xã hội và lạm phát không cao, với tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm; huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%) và cho vay tín dụng tăng 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%). Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm; cho vay thông thường 6,8-9%/năm (ngắn hạn) và 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt hơn 331 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, và quan trọng hơn là vốn tư nhân là chủ yếu (vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,9% và tăng 16,9%; khu vực FDI chiếm 26,5% và tăng 8,1%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dù áp lực có tăng gắn với tăng giá một số dịch vụ công, giá xăng dầu, tiền lương và quy mô tín dụng năm 2017..., nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát trong phạm vi an toàn, đồ thị động thái vẫn đúng hướng, với mức CPI tháng 3/2018 bắt đầu giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý 1/2018 tăng 2,82%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34%. Thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm xuống 0%; giá thịt lợn và rau củ quả giảm khá mạnh đang góp phần giữ sự bình ổn giá thị trường. Giá vàng trong nước biến động theo khá sát giá vàng thế giới, với chỉ số giá tháng 3 tăng 5,97% và chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2017 cho thấy sự hiệu quả của chính sách tỷ giá trung tâm trong ổn định thị trường ngoại hối.
Thu-chi NSNN và các chỉ số và cân đối tài chính - tiền tệ được duy trì khá tích cực; Mặt bằng lãi suất tín dụng ngân hàng ổn định; Thị trường chứng khoán tái lập đỉnh cao nhất của 10 năm trước;
Động lực và niềm tin cải thiện
Cùng với tổng cầu thị trường và vốn đầu tư xã hội đạt khá, có sự tăng mạnh lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và giải ngân vốn FDI; Môi trường và điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện; Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần…
Số doanh nghiệp đăng ký mới (26.785 doanh nghiệp, cao nhất trong vòng bảy năm qua) và quay lại hoạt động (8.449 doanh nghiệp), mở rộng đầu tư (485,5 nghìn tỷ đồng); số doanh nghiệp dừng hoạt động giảm (1,4%). Kết quả khảo sát hơn 75,4% sô doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, sản xuất kinh doanh quý 1 ổn định và tốt hơn quý trước; 89,6% đánh giá xu hướng quý 2 sẽ ổn định và tốt lên; chỉ có 24,4% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý 1/2018 giảm và 9,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng quý 2/2018 giảm.
Quy mô thị trường trong nước vẫn tăng khá và tạo động lực bên trong cho phát triển sản xuất, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1-2018 ước đạt 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 6,4%).
Sự bùng nổ khách quốc tế đến nước ta được nghi nhận trên tất cả các kênh và các nguồn khách.
Chất lượng FDI cũng có sự cải thiện tích cực thể hiện ở kết quả tăng vốn thực hiện (đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017) và vốn góp, mua cổ phần (gần 1,9 tỷ USD, tăng 121,6%), với 618 dự án cấp phép mới (tăng 25,4% so cùng kỳ). Hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm 61,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Xuất siêu ngay từ quý đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 54 tỷ USD, tăng 22% (loại trừ yếu tố giá tăng 22,1%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng gần 19%. Nông sản xuất khẩu tiếp tục có nhiều thành công, với xuất khẩu rau quả tăng 35,6%; xoài, nhãn xuất khẩu có giá cao hơn từ 15-30% so với bán tại thị trường trong nước và tăng lượng xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia; Xuất khẩu thủy sản tăng 11,2%; Sự cải thiện tốc độ tăng xuất khẩu được ghi nhận ở tất cả các thị trường chính, trong đó xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 46% (đạt chín tỷ USD); vào Hàn Quốc tăng 35,8%; vào EU tăng 19,7% (9,8 tỷ USD và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam); vào ASEAN tăng 13,5% vào Nhật Bản tăng 12% và vào Hoa Kỳ tăng 11,6% (9,6 tỷ USD);
Cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD. Nhập siêu dịch vụ cả nước là 391 triệu USD, bằng 10% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Những kết quả tích cực trên đây nhờ ba nguyên nhân lớn: Thứ nhất, đà tăng trưởng tốt từ quý 4/2017 và kết quả cải cách môi trường đầu tư trong thời gian trước đó;
Thứ hai, những cơ hội mới từ sự phát triển ổn định kinh tế thế giới được khai thác, nhờ đó doanh nghiệp có thêm hợp đồng xuất khẩu lớn, với giá cả có sự cải thiện, nhất là gạo, rau, củ quả...
Thứ ba, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết liệt trong chỉ đạo quản lý nhà nước ngay từ ngày đầu, tháng đầu và quý đầu năm mới, với phương châm hành động Chính phủ năm 2018 là “Năm Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, thể hiện tập trung trong Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 và Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-2-2018....
TS Nguyễn Minh Phong