Tầm vóc mới của đô thị hiện đại
TP. Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa, với chức năng phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ những năm 2008, TP. Thanh Hóa đã triển khai chương trình “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Sau thời gian thực hiện, diện mạo đô thị của thành phố đã thực sự đổi thay, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ thứ 3 thành phố tiếp tục lựa chọn xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện". Thành phố thực hiện đồng bộ giữa xây dựng mới với cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu đô thị cũ trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và phát huy tối đa các nhân tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa - xã hội sẵn có. Công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch cũng được tăng cường, công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị được duy trì...
Xây dựng một thành phố văn minh, thân thiện sẽ mang lại cho TP. Thanh Hóa nhiều lợi ích, nhất là khi du lịch đang được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Không những thế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố mời gọi được nhiều nhà đầu tư, thu hút nhiều dự án lớn làm thay đổi vóc dáng của đô thị trong tương lai.
Vì vậy, xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố hay các cấp, các ngành mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tái diễn
Cấp ủy, Chính quyền và Nhân dân TP. Thanh Hóa đang ra sức xây dựng thành phố ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, tạo ra diện mạo mới theo hướng văn minh, góp phần mở rộng không gian phát triển, nâng cao “sức hút” của thành phố đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng, thật khó để xây dựng thành công hình ảnh thành phố văn minh nếu vẫn tồn tại những hình ảnh nhếch nhác, các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 4887/UBND-KTTC ngày 11/4/2023 để chấn chỉnh và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giải tỏa, xóa bỏ, xử lý các chợ tự phát, tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.
Sau thời gian thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp và đạt kết quả quan trọng, một số địa phương đã cơ bản dẹp bỏ hoạt động kinh doanh, buôn bán không đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lòng đường bán hàng rong sau thời gian tạm lắng, nay lại tái phát trầm trọng hơn tại TP. Thanh Hóa. Trên một số tuyến đường như: Lê Lai; Hải Thượng Lãn Ông; Trần Phú; Lê Hoàn; Lê Hữu Lập… người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến..
Ghi nhận của phóng viên TH&CL trên một số tuyến đường, tình trạng này gây nguy cơ mất an ninh trật tự và mất đi vẻ mỹ quan của khu vực.
Đây thực sự là những gam "màu xám" trên hành trình xây dựng đô thị văn minh tại TP. Thanh Hóa.
Việc lấn chiếm lòng đường, buôn bán hàng rong không đơn thuần là giải quyết bài toán kinh tế tạm thời trước mắt. Hơn hết, nếu để tình trạng chiếm dụng phát sinh kéo dài mà không xử lý dứt điểm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như mất an ninh trật tự, mất đi vẻ mỹ quan của khu vực.
Vì vậy, theo ý kiến của nhiều người dân, phải bằng mọi cách để vỉa hè, lòng đường thông thoáng vốn như bản chất của nó, là nơi cho người dân đi bộ, nơi cho xe cộ dễ dàng lưu thông.
Nguy cơ tai nạn giao thông từ việc lấn chiếm vỉa hè
Việc chiếm dụng không gian giao thông cộng cộng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông, nảy sinh nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ.
Không khó để bắt gặp những hộ kinh doanh bày bán các mặt hàng trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường, buộc người đi bộ phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó nhiều tuyến đường, tuyến phố khác ô tô dừng đỗ tràn lan dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông.
Nhiều người tham gia giao thông tạt ngang đầu xe, dừng, đỗ ngay dưới lòng, lề đường hoặc vỉa hề để mua hàng hóa, khiến đường phố càng trở nên nhộn nhạo.
Chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa
Tình trạng mua bán hàng hóa dưới lòng lề đường khiến đường phố trở nên mất mỹ quan, nhộn nhạo
Khách du lịch, người đi bộ sẽ không còn không gian để đi lại mà phải đi dưới lòng đường, ghi nhận tại tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Thanh Hóa
"Cuộc chiến" giành lại vỉa hè vẫn sẽ kéo dài và có nhiều khó khăn, để giải quyết được vấn đề này cần có chính sách đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành.
Để chấm dứt tình trạng này, cùng với quy hoạch, mở rộng vỉa hè và hành lang an toàn giao thông thì chính quyền cần phải vào cuộc quyết liệt hơn từ tuyên truyền đến xử lý vi phạm, để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, kinh doanh.
Khánh Dương