Nhiều lần có mặt tại các công viên, qua tìm hiểu PV nhận thấy, nhiều công viên hiện nay đã bị sử dụng chưa đúng mục đích và chức năng.

Những “góc tối” công viên: Phản cảm văn hóa công viên! - Hình 1

Đội quân hàng rong ở công viên Gia Định (Gò Vấp)

Có mặt tại công viên Gia Định (giáp ranh giữa Q.Gò Vấp và Q.Phú Nhuận), chứng kiến những gánh hàng rong, đội quân xe đẩy đã kéo đến vây kín cả khu vực vỉa hè công viên và tràn ra cả ngoài đường Hoàng Minh Giám cắt ngang, buôn bán sôi động như cái chợ thực thụ, cảnh tượng lộn xộn, xả rác bừa bãi. Đặc biệt, ngay dưới biển “cấm tụ tập buôn bán” với đủ loại đồ ăn vặt, nước giải khát, trái cây… được bày bán vô tư, lấn chiếm ra lòng lề đường, gây mất vệ sinh và tạo nên hình ảnh rất phản cảm tại nơi mỹ quan đô thị.

Thậm chí, không chỉ những cảnh tượng buôn bán như thế, khi chúng tôi đi sâu vào trong công viên còn bắt gặp hình ảnh khá phản cảm, có những người đàn ông thản nhiên đi “vệ sinh” ngay bên cạnh nhà vệ sinh công cộng. Cạnh đó, trên thảm cỏ là vô số bãi rác bỏ lại sau những cuộc hội họp, tụ tập vui chơi của các nhóm người thanh niên trẻ.

Những “góc tối” công viên: Phản cảm văn hóa công viên! - Hình 2

Cánh hàng rong lấn chiếm lề đường

Chưa hết, nhiều người còn xem công viên như nhà ở của mình, thản nhiên nằm ngủ, thậm chí phớt lờ biển cấm dẫm đạp lên cỏ, trèo lên hiện vật để chụp hình với những kiểu tạo dáng phô hết mức. Đặc biệt, những hình ảnh mà đập vào mắt khi bắt gặp nhiều nhất vẫn là những đôi tình nhân hẹn hò nhau, làm nhiều hành động chia sẻ riêng tư “ôm hôn một cách thái quá” như chỗ không người, gây mất mỹ quan.

Anh N.N.H cho biết: “Nhiều lúc tới công viên, tôi cảm thấy rất ngại vì nhìn đâu cũng thấy các cặp tình nhân đang ôm hôn nhau, dù sáng – trưa hay tối, rác thì vứt thẳng trên ghế đá”.

Tiếp tục tìm đến công viên Hoàng Văn Thụ - Q.Tân Bình, ghi nhận, phía đường Phan Thúc Duyện, hình ảnh hàng rong lấn chiếm toàn bộ vỉa hè của người đi bộ. Ngay cả dưới đường có cả chục xe ba bánh, xe đạp đậu san sát với đủ loại đồ ăn thức uống, bày ghế nhựa, chiếm ghế đá suốt cả ngày. Rác thải từ hoạt động mua bán, ăn uống hàng rong như vỏ trái cây, bao ni lông, ly nhựa, đồ ăn thức uống thừa xả thẳng xuống đường.

Bà N.T.M (tại P.4, Q.TB) nói: “Hàng ngày, tôi thường hay đi ra công viên này tập thể dục, ở đây tuy đã được cải tạo, nhưng quản lý vẫn chưa chặt chẽ lắm. Có hôm, tôi vào tập thể dục thấy toàn rác, mùi hôi bốc ra từ những ngôi nhà nhỏ trong công viên khiến cảm giác rất ghê sợ. Do vậy, nhiều lúc nghĩ đến hình ảnh này cũng chẳng muốn ra công viên tập tành gì nữa…”.

Những “góc tối” công viên: Phản cảm văn hóa công viên! - Hình 3

Có đội bảo vệ công viên và quản lý đô thị, nhưng cánh hàng rong vẫn buôn bán bình thường

Nhiều nơi khác công viên 23/9, công viên Phú Lâm (Q.6), công viên 30/4 dinh Độc Lập (Q.1), công viên Văn Lang (giáp ranh Q.5 và Q.10), trước cổng Thảo cầm viên Sài Gòn... đều thu hút hàng rong tụ tập. Họ đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến mỹ quan nơi công cộng và vệ sinh môi trường, mà an toàn thức phẩm trong buôn bán vẫn luôn là nỗi lo ngại những người dân tới nơi này.

Đồng thời, ở không ít các góc khuất, góc tối trong công viên những đối tượng nghiện hút, mại dâm, cờ bạc…thoải mái “hành sự” khi màn đêm buông xuống. Những hình ảnh này xảy ra phổ biến tại gần khu vực đường Hồng Hà (Q.Gò Vấp). Ngoài ra, những người đi dạo thường xuyên trong công viên bị các đối tượng cướp giật đưa vào “tầm ngắm”...

Điều đó cho thấy công tác quản lý về mặt nhà nước còn nhiều lỏng lẻo. 

Tuyết Nhung