Từ đầu năm nay tới nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 7.646 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. Các ca mắc bệnh tập trung tại một số quận, huyện như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.
Biểu hiện lâm sàng bệnh chủ yếu là sốt cao, nhức đầu, ói mửa, phát ban, xuất huyết với nhiều dạng khác nhau. Bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.
Ảnh minh hoa
Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn sốt Dengue: giai đoạn này kéo dài từ khoảng 2 – 7 ngày và thường có dấu hiệu tương tự như cảm cúm. Đây không phải là giai đoạn nguy hiểm và có thể xuất hiện một số triệu chứng như nhức đầu, đau họng, buồn nôn, người mệt mỏi... và đặc biệt là sốt cao (từ 39 đến 40 độ C).
Giai đoạn nguy hiểm: Ngày thứ 4-7, hầu hết bệnh nhân sẽ không còn sốt trong giai đoạn này, nhưng đây mới chính là thời gian nguy hiểm nhất quyết định bệnh có diễn biến trầm trọng hay không. Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Vì thế mà bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của bệnh nhân. Bạn cần có sự theo dõi và thăm khám hàng ngày từ bác sĩ.
Giai đoạn phục hồi: nếu như vượt qua được giai đoạn trên, cơ thể của bệnh nhân sẽ từ từ hồi phục. Khi đó, nhịp tim và huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước.
Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết:
- Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Nằm nghỉ ngơi.
- Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.
- Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
Phòng bệnh sốt xuất huyết:
Ảnh minh họa
- Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:
- Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy (lăng quăng).
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.
- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
Diễm Lệ