Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chỉ có 29 giường bệnh nhưng đang phải điều trị cho trên 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bệnh viện đã bổ sung thêm 45 giường xếp, kê dọc hành lang, dưới chân cầu thang nhưng vẫn không đủ. Hết chỗ, bệnh viện buộc phải đưa bệnh nhân vào Khoa Nhi, Khoa Nội để tiếp tục điều trị.
Nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình
Về vấn đề nay, bác sĩ Võ Khắc Nhật, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP. Đồng Hới cho biết, bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, gần như 100% bệnh nhân phải nằm ghép đôi. Nhiều bệnh nhân phải nằm ở khu vực hành lang, gầm cầu thang rất bất tiện trong sinh hoạt. Dù trong điều kiện khó khăn, đội ngũ y bác sĩ của khoa, Ban lãnh đạo bệnh viện rất cố gắng tăng ca, thu dung bệnh nhân đến điều trị.
Ở một diễn biến khác, dịch sốt xuất huyết ở huyện Quảng Ninh cũng diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh tiếp nhận, điều trị cho 618 bệnh nhân sốt xuất huyết. Khoa Nội - Nhi - Lây quy mô 60 giường bệnh nhưng có thời điểm có tới hơn 100 bệnh nhân điều trị, do đó, người bệnh phải nằm ghép.
Theo Bác sĩ Hồ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, sốt xuất huyết trên địa bàn bùng phát vào tháng 7, 8, mạnh nhất là trong tháng 9, với trên 260 bệnh nhân điều trị nội trú. Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 60 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tới điều trị.
Luôn trong tình trạng quá tải, để tiếp tục thu dung bệnh nhân điều trị, bệnh viện phải kê thêm giường ở hành lang hay dồn sang các khoa khác. Trước tình hình đó, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo huyện, đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tích cực tuyên truyền cho nhân dân chủ động trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Toàn ngành đang triển khai giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh để tập trung điều trị hiệu quả, đồng thời khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi nhằm xử lý triệt để các ổ bệnh.
Bác sỹ Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình cho hay, Trung tâm đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết và chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã thực hiện kế hoạch diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Tại địa bàn trọng điểm, cán bộ làm công tác y tế dự phòng đã đến từng xã, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biện pháp phòng bệnh.
Ngoài tập trung xử lý ổ bệnh, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế cơ sở trong giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời và chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất diệt muỗi, đồng thời, duy trì các đội cơ động chống dịch trên toàn tỉnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh, trong đó, muỗi là sinh vật truyền bệnh. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước, nơi ao tù nước đọng. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết của ngành Y tế, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể và cộng đồng trong việc loại trừ lăng quăng.
Hoàng Linh